MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không có sóng điện thoại, những chiếc bộ đàm trở thành phương tiện liên hệ của đồng bào Mông tại "nơi cùng trời" Yên Bái. Ảnh: Văn Đức.

Những smart phone đặc biệt ở bản không sóng điện thoại

Văn Đức LDO | 20/11/2021 13:00

Yên Bái – Do không có sóng điện thoại, hàng trăm hộ dân tại xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải đã nghĩ ra cách thức liên lạc độc đáo bằng bộ đàm.

Bản Kể Cả, Pú Vá của xã Chế Tạo là “nơi cùng trời” của Mù Cang Chải với 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đây cũng là ngã ba tiếp giáp giữa 3 tỉnh Yên Bái - Sơn La - Lai Châu.

Từ trung tâm xã, để được tới các thôn này phải đi xe máy gần 2 tiếng đồng hồ với khoảng 20km đường uốn lượn quanh co, sương mù dày đặc. Đường đi cũng chỉ vừa 1 chiếc xe máy, nhiều đoạn đi qua cầu, suối, leo dốc khúc khuỷu. Có đoạn chỉ rộng chừng nửa mét, cheo leo một bên vách núi cao một bên là vực sâu thăm thẳm.

Ở “nơi cùng trời” của huyện này có khoảng hơn 100 hộ dân sinh sống trong điều kiện khó khăn về mọi mặt, không điện, không sóng điện thoại, cuộc sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài.

Tâm sự với chúng tôi trong căn nhà gỗ thuộc hạng khá giả của bản, anh Giàng A Dê, ở bản Pú Vá cho biết: “Người dân từ bao đời nay ở đây không có sóng điện thoại. Điểm gần nhất có sóng phải đi xe máy lên núi gần 5km".

Mỗi ngày Dê đều phải sạc no pin để hôm sau sử dụng.

Anh Dê chia sẻ, trước đây để liên hệ với nhau thì phải đến từng nhà. Cả bản hơn 70 hộ, nhưng mỗi nhà cách nhau xa, lại ở trên núi cao nên đi lại rất vất vả. Thời gian gần đây, khi điều kiện kinh tế khá lên một chút, mỗi nhà cũng đầu tư mua một bộ đàm để tiện liên lạc.

Vừa nói chuyện, anh Dê vừa bấm bấm bộ đàm trong tay: "Từ lúc có bộ đàm, việc liên hệ với mọi người cũng dễ dàng hơn. Có việc gì thông tin đến nhau cũng nhanh hơn, đi làm nương, đi ăn cỗ ở đâu gọi nhau".

Muốn gọi cho ai thì chỉ cần xoay về số đã lưu vào bộ đàm là có thể liên lạc được.

Mỗi bộ đàm chỉ có 16 số nên muốn gọi nhiều hơn thì phải mua thêm bộ đàm khác. Giá một chiếc bộ đàm cũng chỉ khoảng 300 nghìn nên gần như nhà nào trong bản cũng đều có 1 chiếc. 

Từ ngày biết được có bộ đàm, đi làm hay đi đâu, mọi người đều cầm theo để gọi nhau. Khoảng cách dò sóng của bộ đàm cũng xa được 5km, lại nhỏ gọn nên cũng tiện lợi hơn.

Thầy giáo Đinh Văn Dũng – Giáo viên tại điểm trường lẻ bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Chế Tạo đóng tại thôn Kể Cả cho hay: “Cứ mỗi tối khi cơm nước xong xuôi thì các thầy lại phi xe máy lên đỉnh núi để gọi điện về nhà cho người thân”.

Tranh thủ giờ nghỉ hay tối đến, các thầy cô giáo nơi đây lại lên núi bắt sóng điện thoại để gọi cho người thân, gia đình.

Thầy Dũng chia sẻ: “Bản thân được điều động từ điểm trường vùng thấp lên đây được 3 năm, vợ con cũng đều ở xa nên rất nhớ gia đình. Khổ nỗi do nơi này không có sóng điện thoại, ban ngày thì bận dạy học. Đến tối khi gọi về nhà có lúc thì con cái đi ngủ cả. Con cái cũng không nhìn được bố vì giữa rừng núi trời không có điện sáng”.

“Thấm thoát cuộc sống cùng với bà con nơi đây giờ cũng thành thói quen, thấy bà con còn nghèo, còn khó nên bản thân cũng cố gắng đem con chữ cùng tâm huyết dạy các em biết đọc, biết viết. Từ đó cũng vơi đi nỗi nhớ vợ, nhớ con ở quê nhà”, thầy Dũng tâm sự thêm.

Ông Sùng A Ký – trưởng bản Kể Cả cho biết: “Cả bản hơn 50 hộ thì hầu như nhà nào cũng sắm được 1 chiếc bộ đàm để liên hệ thuận tiện. Tuy vậy, mong muốn của bà con là có điện, có sóng điện thoại để nâng cao dân trí, đời sống cho bà con nhân dân nơi đây”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn