MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nắng nóng đã quay trở lại khiến nhu cầu sử dụng điều hòa của người dân ngày càng tăng cao. Ảnh: Khánh Linh

Những sự cố điều hòa thường gặp trong mùa nắng nóng

Khánh Linh LDO | 29/05/2023 15:16

Thời tiết nắng nóng đã quay trở lại, đỉnh điểm ở Hà Nội dự kiến sẽ lên đến 40 độ C, khiến nhu cầu sử dụng điều hòa của người dân tăng cao, kéo theo là những lỗi hỏng phổ biến. 

Thợ sửa điều hòa chạy "hết công suất" ngày nắng nóng

Nắng nóng gay gắt đã quay trở lại ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Nhiệt độ nhiều nơi lên đến trên 40 độ C. Chính vì thế nên nhu cầu sử dụng điều hòa cũng tăng cao. 

Những ngày này, ông Nguyễn Mạnh Quang, một thợ sửa điện lạnh tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải, chuông điện thoại reo không ngừng khi những khách hàng liên tục gọi giục ông đến lắp đặt, sửa chữa điều hòa. 

Ông Quang cho biết: "Có nhiều hôm còn không kịp ăn cơm trưa, làm thông từ sáng đến chiều. Chỉ kịp ăn tạm cái bánh mì rồi làm việc tiếp. Thậm chí, có những hôm vừa cầm bát cơm lên chuẩn bị ăn thì có người gọi, lại ăn vội vàng để lên đường". 

 Thợ sửa điều hòa chạy hết công suất ngày nắng nóng. Ảnh: LĐO

Theo ông Quang, nhu cầu của khách hàng tăng cao đột biến trong những ngày nắng nóng, không chỉ khách lắp mới điều hòa mà còn nhiều khách bảo dưỡng, thay gas, vệ sinh điều hòa.

"Mấy ngày nay, nắng nóng đỉnh điểm nhu cầu sử dụng điều hoà cao, chúng tôi hoạt động hết công suất. Thậm chí nhiều hôm tối muộn, khách gọi báo điều hòa hỏng nhưng mệt quá cũng đành báo khách đến hôm sau sẽ có thợ đến sửa" - ông Quang nói. 

Theo nhiều thợ sửa chữa điện tử, điện lạnh ở Hà Nội, sửa điều hòa là công việc thời vụ, thường kéo dài từ thàng 5 đến tháng 7 khi thời tiết nắng nóng đỉnh điểm. Dù tiền công những ngày này cao nhưng công việc khá vất vả, thậm chí đối mặt với nguy hiểm. 

Những lỗi thường gặp ở điều hòa

Việc sử dụng điều hòa thường xuyên, thậm chí là quá tải trong những ngày nắng nóng khiến việc xảy ra lỗi là điều khó có thể tránh khỏi. 

Một trong những lỗi phổ biến là việc điều hòa lên nguồn nhưng không chạy. Nếu gặp tình trạng đó, có thể hệ thống điện trong gia đình bạn đang trong tình trạng quá tải. Do trời nóng, nhu cầu sử dụng quạt và điều hòa tăng cao dẫn đến hỏng cầu chì hoặc nhảy aptomat.

Bạn cũng cần phải phân bố lại khoảng thời gian và lượng điện tiêu thụ trong gia đình để tránh quá tải, ảnh hưởng đến tuổi thọ của các thiết bị điện. 

Còn có những ngày bật điều hòa cả tiếng đồng hồ ở nhiệt độ dưới 20 độ C, tuy nhiên phòng không mát. Rất có thể do thời gian sử dụng lâu khiến cánh quạt trong điều hòa hút bụi, tắc nghẽn và trở nên ì ạch.

Đối với những lỗi đơn giản thường gặp khi sử dụng điều hòa mùa nắng nóng, người dùng hoàn toàn có thể khắc phục được mà không cần gọi thợ. Ảnh: Khánh Linh 

Bạn chỉ cần tháo phần quạt hút gió và mang đi rửa, lau khô và mang lắp lại là được.

Ngoài ra, sau khi sử dụng điều hòa một thời gian dài mà không vệ sinh, thì sẽ có một lượng bụi bẩn bám dính trên dàn lạnh, hoặc làm tắc nghẽn các đường ống dẫn, làm cản trở hoạt động bình thường của thiết bị, dẫn đến máy bị ngắt điện liên tục khi đang sử dụng.

Với lỗi này, người dùng chỉ cần vệ sinh toàn bộ chiếc điều hòa để nó được thông thoáng và hoạt động lại như bình thường. 

Cùng với đó, mỗi khi bật điều hòa, máy nén điều hòa lại phát ra tiếng kêu ù ù ở dàn nóng. Việc điều hòa kêu to gây ra cảm giác khó chịu, ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ và sinh hoạt trong gia đình. 

Đó có thể là một trong những nguyên nhân như bu lông, ốc vít không được vặn chặt nên bị lỏng, điều hòa bị thiếu gas hoặc dư gas, xảy ra sự tiếp xúc, cọ sát của ống này với ống kia, hay của vỏ máy dàn nóng. Không thực hiện vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa thường xuyên khiến lớp bụi bẩn tích tụ dày đặc.

Đối với những lỗi đơn giản thường gặp khi sử dụng điều hòa mùa nắng nóng, người dùng hoàn toàn có thể khắc phục được. Tuy nhiên, với những lỗi nghiêm trọng liên quan đến kĩ thuật, người dân có thể gọi thợ sửa chữa hoặc liên hệ với trung tâm kỹ thuật của hãng để được nhận hỗ trợ bảo hành miễn phí nhé.

Ngoài ra, bạn cũng nên tham khảo báo giá nhiều nơi để tránh tình trạng thợ sửa chữa hét giá, "luộc" tiền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn