MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Liên quan đến kit xét nghiệm Việt Á, nhiều cán bộ, lãnh đạo ngành y tế đã vướng vòng lao lý. Ảnh: Hải Nguyễn

Những sự kiện, vấn đề nóng nhất của ngành Y tế năm 2022

Thùy Linh LDO | 29/12/2022 06:00
Năm 2022, ngành Y tế liên tục đối mặt với những khó khăn, thách thức "chưa từng có" trong lịch sử. 

Liên quan "đại án Việt Á", nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và nhiều thuộc cấp bị bắt

Tháng 6.2022, nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị bắt về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, bị cáo buộc "lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm COVID-19". Hành vi này gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước.

Trước đó, hai cựu vụ trưởng Nguyễn Nam Liên (Vụ Kế hoạch Tài chính) và Nguyễn Minh Tuấn (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) đã bị khởi tố.

Tháng 12.2021, vụ án nâng khống giá tại Việt Á được điều tra. Từ đó đến nay, nhiều cán bộ, lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC và bệnh viện của nhiều tỉnh, thành đã bị cơ quan điều tra cáo buộc có liên quan sai phạm này.

Trong doanh thu khoảng 4.000 tỉ đồng, Việt Á chi "hoa hồng" lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỉ đồng.

Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K dừng tự chủ toàn diện

Tháng 11.2022, Văn phòng Chính phủ đã trả lời về kết quả thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện.

Sau khi rà soát các quy định, Bộ Y tế nhận thấy các nội dung thí điểm tự chủ của bệnh viện được quy định trong nghị quyết đều đã được quy định cụ thể trong các nghị định của Chính phủ.

Vì vậy, Bộ Y tế kiến nghị dừng thí điểm cơ chế tự chủ theo nghị quyết 33 tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K. Hai bệnh viện chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ theo nghị định số 60 ngày 21.6.2021 của Chính phủ và các nghị định của Chính phủ. Do đó, 2 bệnh viện sẽ tự chủ một phần.

Bệnh viện Bạch Mai dừng tự chủ toàn diện. Ảnh: BVCC

Trả lời báo cáo của Bộ Y tế về việc tiếp tục thực hiện tự chủ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sau thời gian thí điểm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế thực hiện theo quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 33.

Hàng nghìn nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc

Theo Bộ Y tế, nhân lực y tế hiện có xu hướng nghỉ việc và đang có một "làn sóng" mạnh mẽ chuyển dịch nhân lực y tế từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế cho biết, báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế về số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc có 9.680 nhân viên y tế.

Riêng BV Bạch Mai, từ tháng 1.2022 đã có 110 cán bộ giỏi thôi việc kể cả khối hậu cần, kế toán chuyển đi do chi trả, đãi ngộ không xứng đáng.

Theo Bộ Y tế, một trong những lý do khiến nhân viên y tế nghỉ việc là do thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Đứng trước tình trạng này, Bộ Y tế, Công đoàn ngành Y tế cũng đã có nhiều đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho đời sống của cán bộ, nhân viên y tế.

Tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế trở nên trầm trọng

Năm 2022, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế trở thành vấn đề nóng hơn bao giờ hết, không chỉ của riêng một bệnh viện nào mà là khó khăn của toàn ngành Y tế.

Đơn cử, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, quý II/2022, rất nhiều người bệnh không được đến các bệnh viện chuyên sâu. Do vậy, số lượng bệnh nhân từ các tuyến, các tỉnh về để khám chữa bệnh tăng đột biến, làm cho áp lực thiếu trang thiết bị, vật tư, thuốc vốn dĩ đã có từ trước, nay thiếu trầm trọng hơn…

Khi kiểm tra, các cơ quan hậu kiểm phát hiện vướng mắc tư pháp, do vậy các thiết bị không đảm bảo quy chuẩn pháp lý như: Máy chụp chiếu, siêu âm, cộng hưởng từ, máy PET- CT, các máy kỹ thuật cao như robot phẫu thuật... Đây là những thiết bị hiện đại nhưng vướng pháp lý không thể hoạt động được, dẫn đến không thể thanh toán bằng bảo hiểm y tế (BHYT) cho bệnh nhân.

Bệnh viện K - tuyến điều trị bệnh ung thư cao nhất, do thiếu trang thiết bị y tế, quá trình điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân ung thư đã bị ảnh hưởng mỗi ngày, nhiều bệnh nhân ung thư phải thức cả đêm để chạy máy xạ trị.

Về vấn đề này, Bộ Y tế cho hay, cơ quan này đang tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu, đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế, nhất là đối với các thuốc hiếm; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn