MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều tuyến đường điện do người dân tự kéo đã xuống cấp nghiêm trọng cũng là nguyên nhân chính gây thiếu điện, điện chập chờn ở xã Minh Tiến (Đại Từ).

Những thiết bị điện phải "canh giờ" ở xã miền núi Thái Nguyên

Đức Sơn LDO | 29/07/2022 08:23

Thái Nguyên - Những chiếc máy sao chè phải "canh giờ" lúc sáng sớm, khi tối muộn để hoạt động còn tivi, tủ lạnh giờ cao điểm bỗng dưng tắt ngóm là chuyện bình thường. Nhiều năm qua người dân xã miền núi Minh Tiến (Đại Từ) đã không còn đói ăn nữa mà giờ họ đang "đói" điện.

Làm chè đã cả chục năm nay và cũng chừng đó thời gian chị Trần Thị Lâm ở xóm Lưu Quang 4 (xã Minh Tiến) quen với cảnh khi thì dậy sớm, hôm thì thức đêm muộn để "canh điện". Bởi chỉ khi ấy những chiếc máy sao chè mới có thể vận hành ổn định.

Chị Lâm bộc bạch: "Cái nghề chè vốn đã vất vả vì chỉ thu hái được lúc trời tạnh ráo. Nắng có cháy da thì cũng phải ở đứng giữa đồi mà hái. Nhưng thiếu điện vẫn là thứ lo lắng nhất, sắm máy móc về để hỗ trợ mà không vận hành được vừa phí lại thêm vất vả".

Củi lửa để sao chè thì lúc nào cũng có, nhưng chiếc máy quay rồi vo chè đều phải hoạt động bằng điện. Điện yếu thì máy không thể chạy được còn điện chập chờn thì máy nhanh hỏng. Vì thế nên mới có chuyện phải "canh điện" những lúc sáng sớm, đêm muộn hay giờ nghỉ trưa để sao chè.

Theo chị Lâm: "Khi ấy mọi người đang nghỉ, các thiết bị điện không dùng đến thì điện mới khoẻ, máy mới chạy được. Chè mà hái sáng thì tranh thủ sao trưa, còn hái chiều thì phải thức đêm để làm, làm không hết thì sáng dậy từ 4h mà sao nốt chứ để quá hỏng ngay".

Canh giờ để Sao chè lúc trưa hay khi đêm muộn đã trở thành công việc quen thuộc của nhiều người tại xã Minh Tiến.

Gần đó, chiếc tủ lạnh và máy điều hoà của nhà ông Ma Văn Đoàn gần như còn mới nguyên dù đã mua được cả năm nay, đơn giản vì chúng không đủ điện để chạy. Ở xóm Lưu Quang 4 có lẽ nhưng thiết bị điện hoạt động ổn định nhất là những chiếc bóng điện công suất 30W đổ lại.

Ông Đoàn cho biết: "Thiếu điện đã kìm hãm sự phát triển của vùng quê nghèo này, nhiều nhà muốn đầu tư máy móc cho sản xuất nông nghiệp để sao chè, xẻ gỗ nhưng nghĩ đến cảnh không đủ điện nên lại thôi. Chúng tôi cũng đã ý kiến nhiều lên xã nhưng đến nay chưa có tiến triển gì".

Không chỉ ở Lưu Quang 4, tình trạng "đói" điện còn xảy ra tại các xóm Lưu Quang 2, Tân Hợp 2. Bình thường điện đã yếu rồi nhưng khổ nhất là các giờ cao điểm từ trưa và tối các thiết bị tiêu thụ điện như ti vi, tủ lạnh gần như không hoạt động ổn định. Đôi khi quá tải cả xóm mất điện luôn.

Ông Dương Văn Tuyên - Trưởng xóm Lưu Quang 2 cho biết: "Cả xóm có hơn 40 hộ là thường xuyên sống trong cảnh điện yếu. Có nhà cũng đã từng mua máy móc về xẻ gỗ làm đồ mộc rồi đấy nhưng phải bán đi do không trụ được vì điện yếu quá, lúc có việc thì lại không làm được".

Đa số tuyến điện do người dân tự kéo mang tính chất tạm bợ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. 

Trao đổi với PV, ông Vũ Thanh Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tiến cho biết, phản ánh của người dân là chính xác. Xã đã đi khảo sát và nhận thấy phần lớn đường dây điện do người dân tự kéo hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, cột tre, gỗ đã mục nát tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Theo ông Hưng, cả xã Minh Tiến có 10 xóm nhưng chỉ có 6 trạm biến áp, nhiều xóm phải sử dụng chung 1 trạm biến áp dẫn đến tình trạng điện yếu. Người dân trong xã vốn chỉ sống nhờ việc làm chè, thiếu điện chính là trở ngại lớn nhất để nâng cao thu nhập từ cây chè.

"Chính quyền xã và người dân tha thiết mong các cấp đặc biệt là ngành điện sớm có khảo sát đánh giá hiện trạng tại các khu vực thiếu điện để có phương án khắc phục. Rồi hạ tầng biến áp, cột, đường dây cũng cần kéo đến ngõ từng nhà nữa, có như vậy người dân mới phát triển kinh tế được" - ông Hưng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn