MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các lực lượng chức năng đưa bà Liên xuống núi. Ảnh: CTV

Những vụ rơi xuống vực sâu trên Yên Tử thoát chết kỳ lạ

Nguyễn Hùng LDO | 03/05/2022 20:01

Quảng Ninh - Từ năm 2010 đến nay, đã có khoảng 5 vụ người dân bị rơi xuống vực sâu trên Yên Tử, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh nhưng đều được cứu sống.

Theo ông Lê Tiến Dũng – Trưởng Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử - trước vụ bà Nguyễn Thị Bích Liên, SN 1963, trú tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội bị rơi xuống vực sâu trên Yên Tử và sau 7 ngày mới được tìm thấy vẫn sống, đã có 4 trường hợp rơi xuống vực sâu được cứu sống.

Trong đó đáng chú ý là 2 trường hợp rơi xuống vực sâu vào ngày 14.12.2011 và 3.9.2016.

Cụ thể, 14.12.2011, một du khách người Hà Nội, tên Nguyễn Tài Quyền, do mải chụp ảnh đã bị trượt chân rơi xuống vực sâu khoảng 70m thuộc khu vực phía Tây Nam Chùa Đồng – Yên Tử.

Lực lượng chức năng giải cứu anh Nguyễn Tài Quyền -  do mải mê chụp ảnh bị trượt chân rơi xuống vực sâu khoảng 70m thuộc khu vực phía Tây Nam Chùa Đồng – Yên Tử năm 2011. Ảnh: CTV

Cú rơi cao khiến anh Quyền bị sưng nề nhiều bên trái, dập nát sương đòn, suy thận và gãy cột sống N2.

Anh Quyền bị mắc kẹt dưới vách đá hiểm trở trong suốt 24 giờ lạnh giá trước khi được lực lượng chức năng và người dân phát hiện, cứu sống.

Theo lời kể của anh Quyền, do sơ ý nên dây máy ảnh đã mắc vào chân và bị trượt chân ngã xuống vực. Lúc đó, anh chỉ thấy người va chạm mạnh vào các thân cây, người có lăn đập vào đá đau chết điếng và ngất đi. Khi tỉnh dậy thì thấy trời tối om, định lấy điện thoại gọi thì sim bị gãy.

Tiếp đó, khoảng 22h ngày 3.9.2016, Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử khi đi phóng sinh một con rắn hổ mang chúa thì nghe có tiếng người kêu cứu dưới vực sâu. Ngay lập tức, đơn vị đã báo cho lực lượng chức năng tìm kiếm và cứu nạn nhân.

Sau hơn một tiếng, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy vị trí nạn nhân và nhanh chóng tiếp cận. Nạn nhân là 1 nam thanh niên bị thương và đang nằm vắt vẻo trên chạc 1 cây cổ thụ ở độ cao 30m. Ngay sau đó, lực lượng cứu hộ đã đưa được nạn nhân lên khỏi vực.

Du khách Trần Quang Đắc cũng thoát chết sau cú rơi xuống vực vào ngày 3.9.2016. Ảnh: CTV

Rất may nạn nhân chỉ bị xây xước và chấn thương nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng. Sau đó, nạn nhân đã được đưa xuống chân núi Yên Tử và chuyển đi cấp cứu tại bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (TP Uông Bí).

Nạn nhân Trần Quang Đắc kể lại, sáng 3.9, anh đón xe từ TP.Bắc Ninh đến Yên Tử để lễ chùa. Sau lễ tại chùa Đồng, 18h cùng ngày, anh Đắc đi bộ xuống núi. Khi xuống dưới được gần 100m, anh Đắc trèo ra ngoài rào chắn đi vệ sinh. Do bị trượt trên nên anh Đắc rơi từ trên núi xuống dưới khu vực có độ sâu khoảng 200m.

Theo ông Lê Tiến Dũng – Trưởng Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, vụ Nguyễn Thị Bích Liên rơi xuống vực sâu và sau 7 ngày vẫn sống sót là một kỳ tích của các kỳ tích.

Theo lời kể của bà Liên, ngày 27.4.2022, bà đi Quảng Ninh và một mình lên lễ Phật tại chùa Đồng, Yên Tử. Khi đi xuống một đoạn thì bất ngờ thấy người hơi mệt nên ngồi nghỉ gần lan can chùa Đồng. Do bị tụt huyết nên đã dựa vào lan can và khi đứng lên đi tiếp thì bị choáng ngã xuống khu vực phía dưới khoảng 30m.

Bà Nguyễn Thị Bích Liên rơi xuống vực sâu và được các lực lượng chức năng tìm thấy sau 7 ngày vẫn sống sót. Ảnh: CTV

Rất may nạn nhân rơi vào khu vực có nhiều cây nên không xảy ra chấn thương nặng. Ngay khi sự việc xảy ra, bà Liên cho biết có kêu cứu và tìm cách bám vào thân cây thì bất ngờ tiếp tục rơi xuống thêm 1 đoạn nữa.

Sau đấy bà lả đi, khi tỉnh dậy lại kêu cứu tiếp nhưng do khu vực vắng, sâu và do nhiều ngày gió to và có mưa nên không ai nghe thấy. Đến 9h15 ngày 3.5.2022, sau 7 ngày ăn chút bánh gạo và chai nước mang theo và ăn lá cây dương xỉ cầm cự, bà tiếp tục kêu cứu và may mắn được cơ quan chức năng quản lý nghe thấy và tổ chức tìm kiếm và cứu hộ.

Vào sáng 3.5.2022, khi đi tuần, các nhân viên của đơn vị phát hiện tiếng kêu cứu ở dưới vực sâu gần khu vực chùa Đồng, Yên Tử. Đơn vị và nhà chùa cùng Công ty CP Tùng Lâm, các nhân viên bán hàng đã phối hợp tìm kiếm và cứu được bà Liên.

Thời điểm được cứu, sức khỏe của bà Liên vẫn ổn định; trên người bà vẫn có vé tham quan Yên Tử và 2 vé đi 2 tuyến cáp treo lên Yên Tử. 

Sau khi được chăm sóc ban đầu, bà Liên đã được Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử đã cử nhân viên đưa về nhà ở Hà Nội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn