MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một vườn cây công nghiệp ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không "sợ" khô hạn nhờ được trồng dưới tán cây rừng. Ảnh: Phan Tuấn

Những vườn cây trồng ở Đắk Nông không sợ nắng hạn nhờ có tán cây rừng

PHAN TUẤN LDO | 25/04/2024 14:07

Thời tiết hanh khô, nắng hạn đang diễn ra gay gắt, đe dọa đến năng suất, sức sống của gần 10.000 hecta cây trồng các loại ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Thế nhưng, trong bối cảnh này, vẫn có những vườn cà phê, hồ tiêu... không "sợ" nắng hạn nhờ có tán cây rừng chắn gió và che bóng mát hiệu quả.

Gia đình ông Phạm Ngọc, ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp có 4 hecta hồ tiêu được canh tác theo hướng thuận tự nhiên nên tạo được sinh thái khá ổn định trong bối cảnh tình hình hạn hán đang diễn ra gay gắt.

Trong vườn hồ tiêu của ông Ngọc có hệ thống cây rừng che bóng, chắn gió xung quanh. Cây che bóng mát đồng thời cũng là trụ sống cho cây hồ tiêu của gia đình leo, bám. Loại cây rừng được ông Ngọc sử dụng chủ yếu là cây muồng.

"Tình hình khô hạn vào những tháng mùa khô trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang ngày càng gay gắt, nguồn nước cũng trở nên khan hiếm. Việc gia đình trồng cây muồng chắn gió, che bóng mát cho cây hồ tiêu đang chứng tỏ sự hiệu quả, đem lại lợi ích về nhiều mặt. Hàng năm, hệ thống cây này giúp gia đình tôi tiết kiệm được phần lớn chi phí tưới nước cho cây trồng và năng suất cây trồng cũng ổn định đạt hơn 3 tấn/hecta" - ông Ngọc khẳng định.

Tương tự, hiện nay, ở vùng thủ phủ cà phê của tỉnh Đắk Nông (huyện Đắk Mil) đang có hàng ngàn hecta chịu ảnh hưởng của khô hạn vì không có nước tưới cho đợt 4, 5. Thế nhưng, vườn cà phê rộng hơn 1,2 hecta của gia đình Doãn Thanh, ở xã Thuận An, huyện Đắk Mil mới tưới đợt thứ 3 nhưng vẫn xanh tốt, chống chịu hiệu quả với khô hạn .

Sở dĩ có sự khác lạ như vậy là vì trong vườn của gia đình ông Thanh có nhiều loại cây lâu năm như mít, muồng, phượng rừng... có thể che bóng mát cho cây cà phê. Những loại cây trồng xen kẽ này được gia đình ông Thanh trồng cách đây đã hơn 20 năm. Hiện nay, các loại cây trên đều đã rất lớn, có thể che bóng mát và chắn gió rất tốt cho cây cà phê ở tầm thấp.

Theo ông Thanh, nhờ có hệ thống cây che bóng nên nhiệt độ vườn cây của cà phê của gia đình luôn được điều hòa mát mẻ hơn so với những vườn không có. Cây che bóng, chắn gió đã tạo được hệ sinh thái vườn ổn định, ít bị bốc hơi nước, độ ẩm, dinh dưỡng trong đất cũng được duy trì tốt hơn.

Một điều đặc biệt nữa là nhờ có hệ thống cây che bóng, chắn gió mà ông Thanh có thể tiết kiệm được nước tưới, vật tư, công lao động. “Có cây mít, phượng rừng, muồng đen... che bóng, chắn gió nên trong vườn cà phê của gia đình lúc nào cũng có cảm giác nhiệt độ thấp hơn khoảng vài độ C so với bên ngoài” - ông Thanh cho biết thêm.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), khô hạn đã làm cho các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, điều gặp trở ngại trong quá trình thụ phấn, tỷ lệ đậu quả thấp, làm giảm năng suất. Nhiều loại cây trồng khác cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng, dễ có nguy cơ mất mùa.

Ngoài ra, sự thay đổi của thời tiết với xu hướng nóng lên làm cho sâu bệnh có hại phát triển nhanh và khó dự báo. Sự nóng lên do bức xạ nhiệt cũng làm cho nhu cầu sử dụng nước của cây trồng cũng tăng lên. Nếu vườn nào có cây che bóng, chắn gió sẽ giảm bớt khô hạn.

Mật độ cây che bóng phù hợp không những ít gây ảnh hưởng đến năng suất cà phê, hồ tiêu mà còn giúp ổn định chất lượng nông sản qua các năm, hạn chế hiện tượng năm được mùa, năm mất mùa. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì đây là điều mà nhà nông ở các tỉnh Tây Nguyên nên áp dụng, nhân rộng để canh tác hiệu quả hơn đối với các loại cây công nghiệp dài ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn