MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Niềm hạnh phúc của người phụ nữ khuyết tật ở Bạc Liêu

Văn Sỹ LDO | 30/04/2023 18:12

Dù bị khuyết tật đôi chân, nhưng bằng nghị lực của bản thân, bà Trần Thị Tiếm (44 tuổi) ngụ xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu một mình vất vả mưu sinh nuôi 2 con khôn lớn và ăn học đàng hoàng. Đáp lại tình yêu thương của mẹ, 2 người con của bà Tiếm đều chăm ngoan, là học sinh giỏi toàn diện suốt các năm học qua. 

Bà Trần Thị Tiếm cho biết, lúc sinh ra cũng lành lặn, thể chất phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng lúc 1 tuổi, trận sốt bại liệt đã làm đôi chân của bà teo lại. Trong đó, có 1 chân teo nhỏ và rất yếu. 

 Bà Trần Thị Tiếm làm nghề may đồ để lo cho cuộc sống gia đình. Ảnh: Văn Sỹ

Cơ thể không lành lặn, lại sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh nghèo khó, nhưng bà Tiếm luôn sống lạc quan và cố gắng học nghề may. Lớn lên, bà cũng lập gia đình và sinh con. Song, trớ trêu thay, nghịch cảnh lại giáng xuống thêm một lần nữa, khi bà mang thai bé thứ hai thì chồng bà bỏ đi.

 Bên cạnh may đồ, bà Tiếm còn nuôi heo, nuôi gà để có thêm thu nhập lo cho 2 người con ăn học. Ảnh: Văn Sỹ

Vậy là 15 năm qua, bà Tiếm một mình nuôi 2 con nhỏ. Hiện tại, người con trai lớn của bà Tiếm học lớp 10, người con gái út học lớp 8 và 2 em đều là học sinh giỏi toàn diện suốt các năm học qua. 

"Dù mẹ em bị khuyết tật, nhưng em luôn tự hào về mẹ của em. Thấy mẹ thức khuya dậy sớm để may quần áo, nuôi gà, nuôi heo em càng thương mẹ nhiều và tự nhắc với lòng sẽ học tập, rèn luyện tốt để sau này thi đậu đại học, ra trường đi làm để nuôi mẹ.

 Thương mẹ vất vả lo cho cuộc sống, Huỳnh Trung Nghĩa cùng em gái Huỳnh Mỹ Nhân cho biết, sẽ luôn nỗ lực học tập, rèn luyện để có tương lai tốt đẹp sau này. Ảnh: Văn Sỹ

Em có nguyện vọng hết lớp 12 sẽ thi vào ngành Học viện Biên phòng, vì hoàn cảnh em khó khăn, đi học ngành này sẽ đỡ gánh nặng cho mẹ, vừa được góp sức bảo vệ quốc phòng, an ninh", em Huỳnh Trung Nghĩa nói.

Còn em Huỳnh Mỹ Nhân (con gái út của bà Tiếm) chia sẻ: "Hằng ngày, em tranh thủ học bài, làm bài xong thì phụ mẹ vắt xổ, làm phi áo, đơm cúc áo và phụ giặt đồ, nấu cơm, rửa chén để cho mẹ có thời gian nằm nghỉ sau khi lao động mệt nhọc". 

 Bà Tiếm cho biết, nhờ đi học lớp hướng dẫn nuôi gà dành cho người khuyết tật, những năm qua, mô hình nuôi gà nòi giúp bà có thêm thu nhập lo cho 2 con. Ảnh: Văn Sỹ

Tiếp xúc với người phụ nữ có thân hình nhỏ nhắn và thấy những bước chân khó khăn, nặng nhọc, chúng tôi cảm nhận được sự nghị lực của bà Tiếm. Bà Tiếm cho biết, dù những năm qua cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng chưa bao giờ bà có ý định cho 2 con nghỉ học. 

"Có những lúc khách đặt may nhiều đồ, tôi mừng lắm và cố gắng ngồi may từ sáng đến khuya để kịp giao cho khách. Những ngày này, tôi cũng bị nhức mỏi, nhưng nghĩ tới con đường học tập của 2 con, tôi vẫn thấy vui trong lòng và dường như mọi mệt nhọc đều tan biến.

 Thành quả học tập và thành tích của 2 con suốt những năm học qua chính là niềm động lực để bà Trần Thị Tiếm vượt lên số phận, chăm lo cho 2 con. Ảnh: Văn Sỹ

Nhiều năm nay, tôi vừa may đồ, vừa nuôi heo, nuôi gà nên cũng đủ lo cho cả 3 mẹ con. Động lực sống, niềm vui và hy vọng lớn nhất của tôi chính là tương lai của 2 đứa nhỏ. Thấy 2 con thảo hiền và chăm học, tôi nguyện với lòng sẽ cố gắng hết sức mình để lo cho 2 cháu", bà Tiếm chia sẻ. 

"Với nghị lực vượt qua số phận để vươn lên trong cuộc sống, bà Tiếm là gương mặt quen thuộc và là người truyền lửa cho các hội viên người khuyết tật trong các chương trình tôn vinh người khuyết tật vượt khó của tỉnh", bà Trần Yến Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn