MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thành phố Gia Nghĩa là đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố đầu tiên ở tỉnh Đắk Nông cán đích Nông thôn mới. Ảnh: T.N

Niềm vui ở địa phương đầu tiên về đích Nông thôn mới tại Đắk Nông

Phan Tuấn LDO | 30/09/2022 09:47

Đắk Nông - Từ huyện lỵ nghèo nhất tỉnh Đắk Lắk, tháng 1.2004, Gia Nghĩa được chọn làm trung tâm hành chính của tỉnh Đắk Nông. Trải qua 18 năm xây dựng và phát triển, các xã khó khăn nhất ở thành phố Gia Nghĩa đã về đích nông thôn mới trong niềm vui, hân hoan của toàn thể Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn.  

Lan tỏa niềm vui trong dân

Về thành phố Gia Nghĩa hôm nay, đi trên tuyến đường ở các xã Đắk R'moan, Đắk Nia có thể nhận thấy có rất nhiều ngôi nhà được xây dựng kiên cố, to đẹp mọc lên, tạo cho bộ mặt nông thôn sầm uất, khang trang.

Để tạo ra sự đổi thay này, cấp ủy, chính quyền xã ở thành phố Gia Nghĩa xác định, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước thì phải biết huy động sức dân để xây dựng cho cuộc sống của dân. 

Quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện dân chủ, công khai, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Vì vậy, đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã đã hưởng ứng chương trình bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với khả năng của mình.

Điển hình như gia đình anh Quách Văn Đông, ở xã Đắk R’moan đã vận động gia đình, em trai đóng góp 150 triệu đồng, hiến đất làm đường giao thông nông thôn.

Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và cả sự đóng góp của Nhân dân nên nhiều tuyến đường ở xã Đắk R'moan đã được nâng cấp, làm mới. Ảnh: T.N.

"Tôi rất vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Gia Nghĩa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Càng hạnh phúc hơn khi trong thành công chung này có một phần đóng góp của gia đình anh tôi" - anh Đông phấn khởi chia sẻ.

Gia đình chị Bùi Thị Thảo đã chuyển đến sinh sống ở xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa hơn 20 năm nay. Sau khi địa phương triển khai xây dựng Nông thôn mới thì chị Thảo đã chứng kiến nhiều sự thay đổi ở quê hương thứ 2 của mình. 

Theo chị Thảo, năm 2011 trở về trước, đa số người dân đều sống trong những căn nhà gỗ, mái lợp tôn thô sơ sài, nhưng nay đã xây dựng nhà cửa kiên cố, khang trang. Trước đây, muốn mua hàng hóa, bà con phải đi xa, ra trung tâm nhưng nay ở ngay trong thôn, trong xã, có rất nhiều cửa hàng, siêu thị mini với đa dạng hàng hóa chất lượng, giá cả cạnh tranh.

Còn ông K’Wơn, ở xã Đắk Nia phấn khởi cho biết: "Ngoài việc được đầu tư về hạ tầng điện, đường, trường, trạm... thì Nhà nước còn quan tâm phát triển du lịch, giúp bà con giữ gìn bản sắc dân tộc, có thêm thu nhập ở ngay mảnh đất mình sinh sống".

Ngoài việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bà con các dân tộc ở xã Đắk Nia còn được hỗ trợ tham gia vào lĩnh vực du lịch để có thêm thu nhập, bảo tồn văn hóa truyền thống. Ảnh: T.N.

Không ngừng phát triển

Năm 2020, xã Đắk Nia và Đắk R’moan được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Thay đổi mạnh mẽ nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm trên địa bàn đã được đầu tư bài bản, tạo thuận lợi cho người dân sinh hoạt, sản xuất. 

Giai đoạn 2011-2020, thành phố Gia Nghĩa huy động được hơn 3.000 tỉ đồng để thực hiện xây dựng Nông thôn mới. Trong đó, doanh nghiệp đóng góp 45 tỉ đồng, Nhân dân đóng góp 18 tỉ đồng, còn lại là ngân sách Nhà nước.

Từ đó, các địa phương đã được đầu tư sửa chữa, mở mới trên 165km đường nhựa, bê tông. Đến nay, toàn bộ hệ thống giao thông tại các xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, bảo đảm ô tô đi lại thuận tiện quanh năm.

Những năm qua, Gia Nghĩa tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp, dịch vụ, du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, trên địa bàn có khoảng 13.060ha cây trồng các loại, giá trị sản phẩm thu được đạt trên 48 triệu đồng/ha/năm.

Bộ mặt nông thôn ở thành phố Gia Nghĩa ngày càng đổi mới theo hướng hiện đại. Ảnh: T.N.

Kể từ năm 2020 đến nay, thành phố Gia Nghĩa đã không còn hộ nghèo, chỉ còn 99 hộ thuộc diện cận nghèo, chiếm 0,53% trong tổng dân số trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn các xã có gần 92% hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định, không có hộ ở nhà tạm, nhà dột nát. Đến tháng 6.2022, thu nhập bình quân đầu người 2 xã này đạt 52 triệu đồng/người, tăng 2,6 lần so với 2011.

"Không bằng lòng với hiện tại, sau khi 2 xã Đắk Nia, Đắk R'moan về đích nông thôn mới thành phố Gia Nghĩa đã đặt mục tiêu đến năm 2025 các xã này đều đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Trong đó, có 1 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu" - ông Thạch Cảnh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn