MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng nghìn lao động tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình lâm vào cảnh thất nghiệp do dịch COVID-19 đang trông chờ vào gói hỗ trợ 26.000 tỉ của Chính phủ. Ảnh: NT

Ninh Bình: Sớm giải ngân gói hỗ trợ 26.000 tỉ tới tay người lao động

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 19/07/2021 18:49

Đến thời điểm này, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành xong việc lập danh sách các đối tượng là lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thuộc diện được hỗ trợ từ gói 26.000 tỉ đồng của Chính phủ.

Ông Lê Đức Mạnh - Trưởng phòng Phòng Lao động - Việc làm (thuộc Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình) cho biết: Sau khi có chỉ đạo từ UBND tỉnh Ninh Bình,Sở LĐTBXH Ninh Bình đã phối hợp với các sở, ngành như: Tài chính, Văn hóa và Thể thao, GD-ĐT, Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng chính sách xã hội, Hiệp hội doanh nghiệp, UBND các huyện và thành phố… thực hiện theo hướng dẫn, kế hoạch.

"Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 về triển khai gói 26.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 lần này có ý nghĩa rất lớn và rất sát thực" - ông Mạnh nói.

Cũng theo ông Mạnh, Sở LĐTBXH Ninh Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh Ninh Bình ban hành kế hoạch hướng dẫn các sở, ngành, UBND các huyện và thành phố thực hiện sát sao theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các đơn vị đã nhanh chóng bắt tay vào triển khai chính sách cho người lao động và người sử dụng lao động. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình đã phối hợp và hướng dẫn các đơn vị kịp thời nắm bắt số lao động tự do trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

"Tính đến ngày 19.7, chúng tôi đã hoàn thành danh sách lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Theo đó, trên địa bàn toàn tỉnh có 5.469 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có 223 hướng dẫn viên du lịch, 5.273 lao động tự do và 153 trẻ em dưới 16 tuổi phải thực hiện cách ly y tế để phòng dịch" - ông Mạnh cho biết.

Các đối tượng là lao động tự do được hỗ trợ lần này được mở rộng, số tiền hỗ trợ cũng cao hơn, như: Người bán hàng rong, gom rác phế liệu, bán vé số, chở xe ôm, xích lô chở khách đến những người làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ) đều được chính sách hỗ trợ.

Theo ông Mạnh, ngoài các đối tượng trên, các trường hợp làm công việc thuộc một số lĩnh vực ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình (về việc triển khai một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19) cũng được hỗ trợ khi đủ điều kiện theo quyết định của Chính phủ.

Riêng các trường hợp lao động làm việc trong các đơn vị doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch phải nghỉ việc sẽ do các doanh nghiệp lập danh sách và có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Sở LĐTBXH Ninh Bình sẽ nỗ lực để các đối tượng được thụ hưởng nhanh nhất và kịp thời nhất. Không để xảy ra tiêu cực, trục lợi theo đúng Nghị quyết của Chính phủ. Tổ thẩm định của Sở sẽ thực hiện công minh, khách quan, xem xét từng đối tượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn