MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hầu hết tàu thuyền của ngư dân Ninh Thuận và các tỉnh bạn đã neo đậu an toàn tại khu vực tránh trú bão cảng cá Ninh Chữ, huyện Ninh Hải.

Ninh Thuận: Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và tạm dừng các hoạt động vui chơi để phòng tránh bão số 9

H.V LDO | 23/11/2018 15:09
Ngày 23.11, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã ra Công điện số 5046/CĐ-UBND về việc triển khai thực hiện công tác ứng phó với cơn bão số 9 và mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kể từ 10 giờ ngày 23.11.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Ninh Thuận, áp thấp nhiệt đới sẽ khả năng mạnh lên thành bão. Bão số 9 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Ninh Thuận với sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12 và có khả năng mưa to đến rất to trên diện rộng.

UBND tỉnh đã chỉ đạo 10 giờ sáng 23.11, sẽ chính thức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển. Đồng thời kêu gọi tất cả các tàu thuyền về neo đậu nơi an toàn tại các khu tránh trú bão trong và ngoài tỉnh. Mọi công việc phải hoàn thành trước 17h ngày 23.11.

Ngư dân tất bật thu gom ngư lưới cụ, để đảm bảo tài sản.

Đại úy Vương Huy Hoàn - Phó Đồn Biên phòng Ninh Chữ - cho biết, lúc 10 giờ sáng 23.11, lực lượng đã thông báo và cắm cờ báo hiệu cho toàn bộ tàu thuyền tại vùng biển Ninh Hải không được ra khơi đánh bắt. Hiện tại, cảng Ninh Chữ có 693/2.057 lao động của ngư dân trong và ngoài tỉnh đang neo đậu an toàn. Còn 5 tàu/15 lao động hoạt động trên biển cũng đã nhận được thông báo và đang quay vào bờ.

Toàn tỉnh Ninh Thuận có 2.560 chiếc tàu/15.553 lao động. Hiện nay, 2.110 tàu/11.651 lao động đã neo đậu an toàn tại các khu vực tránh trú bão tại địa phương; đã liên lạc được và hướng dẫn cho 451 tàu của ngư dân trong tỉnh đang hoạt động trên ngư trường các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau…. tìm chỗ neo đậu an toàn tại các ngư trường nói trên.

Tại cảng Đông Hải, các tàu thuyền đã nhanh chóng di chuyển vào neo đậu để tránh trú bão số 9.

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng giao cho UBND các huyện, thành phố ven biển khẩn trương rà soát, kiểm tra dân cư sống ven biển, vùng cửa sông, để có phương án sơ tán, đảm bảo an toàn cho người. Đồng thời tổ chức lực lượng xung kích tuyên truyền vận động và hỗ trợ nhân dân khu vực ven biển tổ chức chằng chống nhà cửa để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền.

Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Thuận còn giao cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với các huyện, thành phố nắm số lượng khách du lịch, có phương án sơ tán khách du lịch ở những vùng ven biển có bị ảnh hưởng của bảo; tuyệt đối không cho khách du lịch ra biển tắm, đồng thời cắm biển báo cấm tắm; chỉ đạo các khu du lịch có phương án di dời, bảo vệ tài sản và tính mạng của du khách.

Tại cảng Cà Ná, tàu thuyền trong và ngoài tỉnh đã nhanh chóng sắp xếp chỗ an toàn để tránh trú bão số 9.

Ông Lê Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản, UBND các huyện, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ sử dụng biện pháp cưỡng chế di dời các lồng bè nuôi hải sản vào bờ. Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận có 299 chiếc với 526 lao động đang nuôi trồng thuỷ sản tại các vùng biển Vĩnh Hy, Thanh Hải, Nhơn Hải thuộc huyện Ninh Hải và vùng biển Cà Ná thuộc huyện Thuận Nam.

Các hộ dân nuôi thủy sản chủ động chằng chéo và di chuyển bè nuôi đến nơi an toàn.
Anh Phan Văn Minh (ở KP1 phường Đông Hải, TP. Phan Rang-Tháp Chàm) nhanh chóng chằng chéo lồng bè nuôi thủy sản và di chuyển lồng bè về nơi tránh trú an toàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn