MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nước thải đen ngòm từ các hồ tôm ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận xả thẳng ra biển. Ảnh: LƯU HOÀNG

Ninh Thuận: Nước thải hồ tôm chưa qua xử lý đầu độc môi trường biển

Lưu Hoàng LDO | 28/03/2020 15:55

Công trình ao xử lý nước thải (T3) tại xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận bị hư hỏng nhưng không được quan tâm duy tu, nâng cấp. Hậu quả, chủ các hồ nuôi tôm thương phẩm trên cát (tổng diện tích 143ha) xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường biển, khiến người dân địa phương hết sức bức xúc. 

Đầu độc môi trường biển

Nhiều người dân xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận than trời vì nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc từ các trại nuôi tôm thương phẩm ngày ngày đổ thẳng ra biển. Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, hầu hết các cơ sở nuôi tôm thương phẩm ở xã An Hải đều không dành một phần diện tích để làm ao chứa và xử lý nước thải theo quy định. Trong khi đó, khu vực này hình thành đến 143ha nuôi tôm thương phẩm trên cát.

Nước thải từ các ao nuôi tôm thương phẩm phần lớn chưa qua xử lý, được thải trực tiếp vào hệ thống đường ống thoát nước thải tập trung rồi vào công trình ao chứa nước thải (ao T3) và chảy thẳng ra biển. Lý do là các pa-ra vận hành ao T3 đã bị hư hỏng, không thể vận hành, đóng mở để giữ nước lại trong ao nhằm mục đích lắng cơ học các chất hữu cơ lơ lửng.

Theo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi, ao T3 có chiều dài 90m, rộng 65m, sâu 2,5m. Dung tích chứa theo thiết kế là 14.180m3. Những năm qua, lớp bùn đen trong ao T3 được hình thành từ chất thải hữu cơ chủ yếu có trong nước thải của các hồ nuôi tôm thương phẩm và lắng đọng, kết tụ qua nhiều năm. Vào thời điểm nắng nóng, nơi này thường xuyên bốc mùi hôi thối, khó chịu và cũng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm cục bộ tại khu vực ao T3.

Theo công ty này, hiện nay một số hạng mục công trình của ao T3 bị xuống cấp, hư hỏng. Cụ thể 2 cống dùng để đóng - mở nước đầu vào và xảy thải nước ra biển đã bị hư hỏng, không sử dụng được. Bờ ao bị sạt lở và không còn lớp bạt lót bờ để ngăn cản nước thải thẩm thấu ra bên ngoài, cuối đường ống thoát nước thải phía tiếp giáp với biển thường xuyên bị cát bồi lấp, làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước. Đặc biệt, toàn bộ diện tích đáy ao bị bồi lắng bởi lớp bùn đen dày khoảng 1m. 

Khẩn trương duy tu, sửa chữa

Theo ông Nguyễn Khắc Lâm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận, hệ thống thu gom và xử lý nước thải (ao T3) được đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước, nay không còn phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn sinh học và dịch bệnh. “Phần lớn các hộ ao nuôi tận dụng hết diện tích để nuôi mà không dành một phần diện tích để làm ao chứa và xử lý nước thải. Nước thải từ các ao nuôi tôm thương phẩm chưa qua xử lý, được xả thải trực tiếp ra môi trường bên ngoài hoặc thải vào đường ống thu gom chính tập trung về ao T3, sau đó chảy ra biển. Do chưa có quy trình xử lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, cũng như chưa có đơn vị nào được giao nhiệm vụ và kinh phí để thực hiện nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý” - ông Lâm cho hay.

Theo ông Lâm qua kiểm tra sơ bộ, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Ninh Thuận) cho biết hiện nay có ít nhất 5 cơ sở nuôi với tổng diện tích khoảng 15ha thường xuyên xả thải trực tiếp nước thải chưa qua xử lý từ các ao nuôi tôm thương phẩm vào hệ thống đường ống thoát nước thải dẫn về ao T3 và chảy thẳng ra biển. “Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm cục bộ tại khu vực này” - ông Lâm thừa nhận.

Xử lý trước mắt vấn đề trên, ông Lâm yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi khẩn trương duy tu, sửa chữa 2 cống có pa-ra đóng - mở để có thể chủ động ngăn không cho nước thải chảy trực tiếp ra biển. Sau khi hoàn thiện việc sửa chữa 2 cống có pa-ra tại cống thoát để giữ nước lại trong ao để có thời gian lắng cơ học hợp chất hữu cơ lơ lửng trong nước; đồng thời nghiên cứu thả cá rô phi để cá sử dụng bùn bã hữu cơ làm thức ăn, giúp làm giảm hợp chất hữu cơ lắng đọng và tích tụ dưới đáy ao T3. “Sở NNPTNT Ninh Thuận giao Chi cục Thủy sản, phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y sử dụng các biện pháp sinh học, hóa học để khắc phục tình trạng ô nhiễm hữu cơ và đảm bảo an toàn dịch bệnh...” - ông Lâm cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn