MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nợ bảo hiểm xã hội tăng cao nhưng khó khởi kiện doanh nghiệp

Hoàng Bin LDO | 26/03/2024 21:56

Tình trạng chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng Bảo hiểm xã hội tại Quảng Nam đang tăng đến mức báo động, nhưng thủ tục khởi kiện doanh nghiệp còn vướng mắc.

Báo động nợ BHXH

Theo thống kê của BHXH Quảng Nam, đến nay, tổng số tiền nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN (gọi chung là BHXH) trên toàn tỉnh hơn 366 tỉ đồng, tăng hơn 72 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2023, ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 50 nghìn người lao động (NLĐ).

Bộ LĐTB&XH giám sát việc thực hiện chính sách BHXH tại Quảng Nam cuối năm 2023. Ảnh: BHXH Quảng Nam

Nợ BHXH nhiều nhất là ở khối doanh nghiệp, trong đó, nhiều đơn vị đã giải thể, phá sản, mất tích, ngừng hoạt động...

Theo BHXH tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân khiến số nợ BHXH tăng cao đột biến là do tình hình kinh tế chung đang gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp để nợ đọng BHXH không có khả năng trả nợ, doanh nghiệp có chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích… chưa có chế tài hoặc hướng dẫn cụ thể để giải quyết quyền lợi cho NLĐ.

Chỉ sau 2 tháng đầu năm 2024, đã có đến 619 doanh nghiệp của tỉnh Quảng Nam rút lui khỏi thị trường (tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, có 562 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, 26 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và 31 doanh nghiệp giải thể.

Công nhân Quảng Nam kiến nghị về tình trạng nợ BHXH với Đại biểu Quốc hội tại buổi tiếp xúc cử tri năm 2023. Ảnh: Hoàng Bin

“Hiện nay tình hình nợ đang rất nóng. Sau quy trình đôn đốc thu hàng tháng, thanh tra, kiểm tra, giám sát, báo cáo mà các đơn vị, doanh nghiệp trây ỳ, không thực hiện thì sẽ áp dụng biện pháp mạnh như cắt thẻ BHYT. Hiện đã có hàng nghìn lao động bị khóa thẻ do nợ BHXH kéo dài”, ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH Quảng Nam cho biết.

Trước thực trạng đó, cơ quan BHXH Việt Nam đã thanh tra chuyên ngành đột xuất tại 15 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng đến 24 tháng tại Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam cũng thành lập đoàn thanh tra liên ngành, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH tại 10 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Còn nhiều vướng mắc

Ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH Quảng Nam - thông tin, để bảo đảm quyền lợi đối với NLĐ, Phòng An ninh kinh tế (Công an Quảng Nam) đã phối hợp với BHXH Quảng Nam làm việc với các doanh nghiệp liên quan để đưa ra giải pháp, cam kết lộ trình thanh toán BHXH đảm bảo đúng quy định pháp luật, đảm bảo chế độ quyền lợi cho NLĐ, ngăn chặn kịp thời các vụ việc đình công, lãn công.

Ngoài ra, qua thanh tra cuối năm 2023, cơ quan BHXH tỉnh Quảng Nam đã thu hồi số tiền chậm đóng, đóng thiếu BHXH, BHTN, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn được hơn 8 tỉ đồng.

BHXH Quảng Nam đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chính sách pháp luật về lao động, BHXH trong doanh nghiệp. Ảnh BHXH Quảng Nam

Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Nam - cho biết, sau các đợt thanh, kiểm tra tình hình có chuyển biến, tuy nhiên còn nhiều doanh nghiệp trong danh sách nợ BHXH vẫn tiếp tục chây ỳ, trốn đóng.

Theo ông Phạm Thế Hiển - Giám đốc BHXH huyện Thăng Bình, tình trạng chậm đóng tiền bảo hiểm có phần do lãi suất chậm đóng như hiện nay thấp hơn so với lãi suất vay ngân hàng; chưa có quy định của pháp luật về xử lý tiền chậm đóng bảo hiểm tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn...

Theo quy định hiện hành, tổ chức Công đoàn là đơn vị được trao quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.

Tuy nhiên, trước khi tổ chức Công đoàn khởi kiện, doanh nghiệp và NLĐ phải trải qua quá trình hòa giải, giải quyết tranh chấp quyền lợi tại UBND cấp huyện; phải có ủy quyền của toàn bộ người lao động.

Trong khi đó, cán bộ Công đoàn cơ sở là người hưởng lương tại doanh nghiệp... Đây là những quy định rất khó áp dụng trên thực tế nên hầu như không thực hiện được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn