MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Nợ chuẩn giáo dục: Chạy theo thành tích, sai chủ trương

Nguyễn Hà - Phạm Dung LDO | 08/06/2018 07:15

Đó là ý kiến của chuyên gia trước việc Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận “nhiều địa phương xin nợ chỉ tiêu để đạt chuẩn nông thôn mới”, trong đó có 2 chỉ tiêu liên quan đến GDĐT.

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, gồm tiêu chí số 5 về cơ sở vật chất trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội diễn ra ngày 6.6, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, trong 19 chỉ tiêu về nông thôn mới, có 2 tiêu chuẩn về giáo dục, một số địa phương mong muốn được công nhận nông thôn mới  nên đã xin “nợ chuẩn”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Hoa – nguyên Giám đốc Sở GDĐT TP Đà Nẵng cho rằng, ở các địa phương có hiện tượng công nhận và cho nợ các tiêu chí về giáo dục khi xin đạt chuẩn nông thôn mới, việc cho nợ là sai chủ trương. Những đơn vị xây dựng nông thôn mới có chỉ tiêu về giáo dục thì ngành giáo dục phải có trách nhiệm hỗ trợ để đạt tiêu chí theo quy định như hỗ trợ để xây dựng các trường đạt chuẩn Quốc gia. Trách nhiệm của ngành giáo dục là phải thực hiện tốt các chủ trương của chính phủ.

“Lẽ ra ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở các địa phương phải đợi cho ngành giáo dục địa phương thực hiện, xây dựng được chỉ tiêu này gộp cùng các chỉ tiêu khác để chuẩn hóa nông thôn mới. Thế nhưng lại cho nợ chỉ tiêu này, chạy theo thành tích là không đúng chủ trương” – ông Hoa khẳng định.

Cũng theo ông Hoa, khi xây dựng trường chuẩn quốc gia có các chỉ số liên quan đến cơ sở vật chất, đủ m2/học sinh ở trường học, xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo, quy định về bậc học, sĩ số học sinh/lớp như thế nào… và các tiêu chí này rất khó để thực hiện.

Về vấn đề này, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy phân tích, ở các địa phương, khi xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí về giáo dục dường như bị khoán trắng cho ngành giáo dục và coi đó là trách nhiệm của thầy cô, nhà trường mà không xem đó là trách nhiệm của địa phương. Ở nhiều nơi, cấp ủy và chính quyền cho rằng đã có lớp học, có sân trường, cây xanh là đã đảm bảo về mặt giáo dục, còn những mặt khác thì chưa quan tâm, hơn nữa hội đồng giáo dục ở cấp cơ sở gần như hoạt động không hiệu quả.

Ông Thủy cho rằng, ở đây nợ phần nhiều là nợ về các lớp nhà trẻ, tiểu học ở trên các địa bàn dân cư, yếu, thiếu và tạm bợ nhưng có thể giải quyết được vì quy mô đầu tư nhỏ, những lớp học này gắn với thôn xóm, việc chăm lo cho trẻ mầm non, tiểu học nằm trong ngân sách của địa phương nên kinh phí cũng chủ động hơn.

Các chuyên gia cho rằng, ở đây không nên có chuyện cho nợ, còn nếu như đã nợ thì cần có lộ trình thực hiện và hoàn thiện sớm nhất các chỉ tiêu về giáo dục. Đây là hiện tượng mà Bộ GDĐT đã nêu, cần quán triệt chủ trương, không thể chấp thuận cho nợ chỉ tiêu giáo dục trong việc xây dựng nông thôn mới. Thứ hai là phải giao cho các cấp quản lý giáo dục kiểm tra về việc thực hiện chủ trương của chính phủ trong đó có yếu tố liên quan đến giáo dục.

Tiêu chí 5 - Trường học: Tỷ lệ trường học các cấp: mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia.

Tiêu chí 14 - Giáo dục và Đào tạo.

14.1. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở

14.2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp)

14.3. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn