MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kiểm tra mô hình trồng thử nghiệm cây dổi lấy hạt tại các xã khu vực biên giới. Ảnh: Kỳ Sơn

Nỗ lực tìm hướng phát triển miền Tây Nghệ An

QUANG ĐẠI LDO | 03/01/2024 16:40

Với tiềm năng lớn về tài nguyên nhân lực và thiên nhiên, tuy nhiên đến nay, miền Tây Nghệ An vẫn còn khoảng cách phát triển khá xa so với vùng đồng bằng và đô thị.

Hạ tầng yếu kém, tỉ lệ hộ nghèo cao

Ngày 3.1.2024, trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng cho biết: “Vừa qua, huyện kêu gọi 2 doanh nghiệp lớn nhất trên địa bàn ủng hộ kinh phí để làm cáp tời nông sản từ trên núi xuống cho bà con, nhưng doanh nghiệp cho biết đang khó khăn nên chưa thể hỗ trợ, còn huy động từ người dân thì không thể vì bà con quá nghèo. Cái khó cứ bó cái khôn, để phát triển kinh tế ở miền núi là rất khó”.

Huyện Kỳ Sơn thuộc vùng biên giới tỉnh Nghệ An có diện tích rộng lớn lên đến 2.094,84 km², dân số 65.881 người với nhiều dân tộc khác nhau như Kinh, Thái, Mông, Khơ mú, Ơ đu...

Huyện có đường biên giới với nước bạn Lào dài 192 km, có cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Đây là địa phương có tiềm năng lớn về thủy điện, khoáng sản, lâm nghiệp...

Tuy nhiên, Kỳ Sơn đến nay vẫn là huyện nghèo nhất tỉnh Nghệ An và là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ 50%, cuộc sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, hàng nghìn hộ cần hỗ trợ về nhà ở.

Lũ lụt gây thiệt hại nặng nề cho huyện Quỳ Châu trong năm 2023. Ảnh: Hải Đăng

Giáp với huyện Kỳ Sơn là huyện Tương Dương, có diện tích lên tới 2.812,07 km² (chiếm 17% diện tích toàn tỉnh), và là đơn vị cấp huyện có diện tích lớn nhất tỉnh Nghệ An và của cả nước, dân số hơn 80.000 người với nhiều dân tộc. Huyện có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế về lâm nghiệp, nông nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện vẫn còn 29,51% (giảm 4,52% so với năm 2022).

Hầu hết các địa phương ở miền Tây tỉnh Nghệ An như Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông... đều có tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao hơn nhiều so với các huyện đồng bằng và đô thị.

Các huyện miền Tây có khó khăn chung về hệ thống giao thông và các cơ sở hạ tầng, một số nơi người dân vẫn phải đi lại bằng thuyền, do đó rất ít có doanh nghiệp về đầu tư, làm cho kinh tế các chuyện này đã khó càng thêm khó.

Miền Tây Nghệ An gồm 11 huyện, 14.000km2 với hệ thống kết nối giao thông liên vùng; có 5 cửa khẩu được xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, và đối ngoại của tỉnh, khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Dân số toàn vùng 1,237 triệu người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 41 vạn người (38,4%), gồm nhiều dân tộc chung sống (như Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Đan Lai, Ơ đu, Kinh...).

Tìm hướng phát triển miền Tây Nghệ An

Sản phẩm OCOP huyện Tương Dương. Ảnh: Đình Tuân

Vào cuối tháng 11.2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Tọa đàm “Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An” từ đó nhận rõ lợi thế và tiềm năng để thu hút đầu tư.

Phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, địa phương đang tập trung rà soát, xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách và các nguồn lực tài chính cho phát triển và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư.

Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 3 hành lang kinh tế gắn với địa bàn miền Tây Nghệ An là hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Quốc lộ 7; hành lang kinh tế Quốc lộ 48A…

Đồng thời tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái; phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng; phát triển lâm nghiệp, kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung khẳng định sẽ đề ra những giải pháp, chính sách cụ thể, đặc thù, đột phá cho sự phát triển chung, nhất là trong điều kiện Nghệ An đang có sự quan tâm rất lớn của Trung ương với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây là hai cơ sở rất quan trọng để phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó khu vực miền Tây phát triển nhanh, bền vững, phát huy tối đa lợi thế về kinh tế rừng, dưới tán rừng, cửa khẩu; các giá trị lịch sử, văn hóa; ứng phó hiệu quả với phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn