MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân đã quen với việc sử dụng xe đạp công cộng trong cuộc sống hằng ngày. Ảnh: Hải Nguyễn

Nỗ lực xanh hoá giao thông công cộng

Anh Vũ - Thanh Chân LDO | 12/01/2024 06:33

Cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đã triển khai dịch vụ xe đạp công cộng. Đây là nỗ lực nhằm giảm phương tiện cá nhân trong nội đô, đồng thời cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên, để xe đạp thực sự trở thành một phương tiện công cộng chính thức như xe buýt, tàu điện thì khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều.

Từ người già đến người trẻ đều mê

Kể từ khi xe đạp công cộng được đưa vào vận hành tại TP Hà Nội vào tháng 8.2023, chị Thu Hương (28 tuổi) sống tại quận Đống Đa, đã trở thành khách hàng thường xuyên của dịch vụ này. Những chiếc xe đạp công cộng gọn nhẹ, dễ điều khiển luôn xếp gọn gàng ở bãi đỗ gần nhà trở thành sự lựa chọn hàng đầu mỗi khi chị đi chợ, dạo phố hay có việc ở gần nhà.

“Thay vì mất thời gian lấy xe máy, tôi chỉ cần ra điểm đỗ xe đạp gần nhà và quét mã là có xe đi, vừa có cơ hội vận động vừa tiện lợi khi đường phố trở nên đông đúc” - chị Thu Hương cho biết.

Cùng quan điểm, bạn Ronal Đoàn - Việt Kiều Úc - chia sẻ, việc thuê xe đạp qua app như này quá thuận tiện và rẻ cho khách du lịch, người từ xa tới công tác ở Hà Nội.

"Thay vì phải lên mạng mò địa chỉ những cửa hàng thuê xe đạp dù chưa chắc ở gần mà giá thuê lại mắc, phải để lại căn cước công dân hoặc tiền cọc thì thuê xe đạp công cộng dùng app rất tiện, nhanh gọn, rẻ, đi từ điểm này tới điểm khác trả chứ không phải quay lại cửa hàng trả" - Ronal nói.

5 tháng sau khi ra mắt, dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội đã thu hút rất nhiều khách hàng, từ những bạn trẻ yêu "xê dịch" tới những cụ ông, cụ bà thích dậy sớm tập thể dục. Hà Nội là địa phương thứ 6 trên cả nước triển khai loại hình này, sau TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Hải Dương, Bình Định.

Theo đại diện của công ty Trí Nam, Hà Nội hiện đang là địa phương có số người sử dụng xe đạp công cộng nhiều nhất so với các thành phố còn lại. Sau gần 5 tháng hoạt động, số lượng người đăng ký sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng là hơn 150.000 người. Riêng tại Hà Nội, người dân đã đi tới 209.000 chuyến bằng xe đạp công cộng, trung bình 1.500 chuyến 1 ngày.

Không chỉ góp phần giảm khí phát thải, bảo vệ môi trường, dịch vụ xe đạp công cộng còn trở thành phương tiện kết nối giao thông hiệu quả giữa các loại hình giao thông công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt. Đây cũng là lý do mà nhiều người trẻ chọn xe đạp công cộng kết hợp với tàu điện hay xe bus để làm phương tiện đi làm hằng ngày.

TPHCM là địa phương đầu tiên cả nước thí điểm mô hình xe đạp công cộng từ cuối năm 2021. Ảnh: Thanh Chân

Dư địa nhiều nhưng thách thức lớn

Trao đổi với Lao Động, ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dịch vụ vận tải số Trí Nam (nhà đầu tư) - cho biết, sau hơn 2 năm thí điểm, tính đến ngày 9.1, có khoảng 300.000 khách hàng đăng ký sử dụng, thực hiện 513.000 chuyến với hơn 2,1 triệu km.

Tuy nhiên, đại diện của Trí Nam cho hay, xu hướng tăng trưởng của dịch vụ xe đạp công cộng bắt đầu có dấu hiệu giảm. Ở thời điểm đầu năm 2024, số lượng chuyến đi đã giảm 30%. Lý do cho mức giảm này là nhu cầu của người dân đã trở về mức thực sau khoảng thời gian "hot" ban đầu, trong khi thời tiết tại một số tỉnh thành cũng không phù hợp cho các hoạt động đạp xe; Một số điểm đỗ xe bị ảnh hưởng bởi việc sửa vỉa hè khiến chúng không thể hoạt động.

Tại TPHCM, mô hình xe đạp công cộng đã nhận được sự yêu thích của người dân thành phố và du khách. Tuy nhiên, mô hình này chỉ có tại Quận 1 nên việc phục vụ mục đích đi làm, đi học, di chuyển giữa các quận của người dân còn hạn chế.

"Chúng tôi đã có văn bản gửi UBND TPHCM, Sở Giao thông Vận tải đề xuất xin mở rộng dịch vụ ra các quận lân cận trong quý I/2024, giúp người dân và du khách thuận tiện đi lại” - ông Quân nói.

Ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông vận tải TPHCM) cho hay, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương mở rộng phạm vi hoạt động mô hình xe đạp công cộng. Trong đó, nhiều nhất là TP Thủ Đức với 159 điểm cho thuê xe đạp công cộng.

Ngoài ra, hàng loạt quận, huyện sẽ mở các trạm cho thuê xe đạp công cộng như: Phú Nhuận có 15 điểm; Gò Vấp có 14 địa điểm; Quận 1 bổ sung 16 điểm; Bình Tân có 2 điểm; Quận 6 có 4 điểm; Tân Phú có 12 điểm; huyện Nhà Bè có 6 điểm; Quận 5 có 2 điểm…

Theo đại diện Sở GTVT TPHCM, trước mắt trong quý 1 năm nay sẽ mở thêm 16 điểm cho thuê xe đạp công cộng trên địa bàn Quận 1 và 11 điểm trên địa bàn quận Phú Nhuận, Gò Vấp nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và du khách. Việc mở thêm các điểm cho thuê xe đạp công cộng cũng nhằm tăng cường kết nối với mạng lưới tuyến xe buýt hiện hữu và tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến vận hành thương mại tháng 7.2024.

Trong thời gian tới, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trí Nam mong muốn xe đạp công cộng được coi là phương tiện công cộng chính thức, giống như xe bus và tàu điện.

Toàn bộ xe buýt ở Hà Nội sẽ chuyển sang năng lượng xanh vào năm 2035

Tại cuộc họp tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội - tiết lộ thông tin về lộ trình chuyển đổi xe buýt từ sử dụng năng lượng dầu sang năng lượng xanh. Theo đó, Thành phố Hà Nội đã có chủ trương triển khai chuyển toàn bộ phương tiện vận tải hành khách công cộng, trong đó có xe buýt sang năng lượng xanh (chạy điện hoặc khí nén CNG) và hoàn thành vào năm 2035, dù yêu cầu của Chính phủ là năm 2050, tức là sớm hơn 15 năm. Ông Quyền khẳng định tại hội nghị, đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp xu thế, không thể lùi, thành phố chủ động triển khai sớm năm nào sẽ giảm ô nhiễm, hoàn thiện hạ tầng vận tải hành khách công cộng năm đó.

Thanh Vân

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn