MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trên toàn tỉnh Hà Giang vẫn còn hơn 80.000ha đất có chứa bom mìn, vật liệu nổ cần làm sạch để an toàn cho đồng bào canh tác.

Nỗ lực xoa dịu nỗi đau bom mìn sau chiến tranh 1979

Bài và ảnh: Nguyễn Tùng LDO | 17/02/2024 14:49

Hà Giang - Với nhiều nỗ lực của toàn xã hội, những nạn nhân chịu ảnh hưởng của bom mìn còn sót lại sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 đã có cuộc sống ngày một tốt hơn.

Trong một lần tham gia xây công trình thủy lợi tại địa phương năm 1981, ông Nguyễn Đức Dân (xã Thanh Thuỷ, Vị Xuyên, Hà Giang) đã vĩnh viễn mất đi đôi tay do chạm phải bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

"Lúc đào lên, tôi nghĩ nó chỉ là cục đất thôi, định ném đi thì phát nổ, lúc đó mới biết là quả mìn. Quả mìn bé như quả cam nhưng sức nổ cũng nát luôn 2 bàn tay. Về sau, tôi mới biết chỗ đào được quả mìn là cao điểm của mặt trận Vị Xuyên năm 1979", ông Dân nhớ lại.

Hơn 40 năm qua, mất đôi bàn tay, khó đủ đường nhưng ông Dân được chính quyền địa phương, lực lượng biên phòng hỗ trợ từ con bò, con lợn giống đến khám chữa bệnh, đời sống dần ổn định, nỗi đau thể xác cũng phần nào nguôi ngoai.

Sống chung với nỗi đau bom mìn nhưng ông Dân luôn được sự đồng hành, giúp đỡ của địa phương.

Gần đó, ông Nông Đình Dũng (xã Thanh Thủy) cũng là nạn nhân của bom mìn còn sót lại. Năm 2005, trên đường lên nương, ông đạp phải mìn tại vị trí cách cao điểm 233 (mặt trận Vị Xuyên năm 1979) vài cây số và mất đi bàn chân phải.

Hai năm sau tai nạn, ông được lắp chân giả và có thêm khoản trợ cấp cho người khuyết tật. Năm 2018, ông Dũng là một trong số nhiều người trong xã được nhận bò giống hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn.

Ông Dũng chia sẻ: "Từ 1 con bò, giờ đã tăng lên 4 con. Tàn tật khổ lắm nhưng được nhà nước, các tổ chức hỗ trợ nên cuộc sống ổn định hơn rồi. Tôi chỉ mong sao bom mìn được dọn sạch trên mảnh đất này để con cháu không còn phải chịu nỗi đau thể xác nữa".

Chỉ riêng tại tỉnh Hà Giang đã có 230 người chết, 395 người bị mất một phần cơ thể do bom mìn còn sót lại sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Tuy vậy, nguy cơ do bom mìn vẫn còn hiện hữu khi tại địa phương này vẫn còn hơn 77.900ha đất cần làm sạch, trong đó 7.500ha có mật độ vật nổ dày đặc.

Những năm qua, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã giúp nạn nhân 105 con bò giống sinh sản, trợ giúp lắp chân giả cho 51 người và tặng trên 200 suất quà mỗi năm. Một số huyện trong tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ kinh phí làm chuồng, tập huấn chăn nuôi cho các hộ dân.

Lực lượng chức năng rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Hà Giang.

Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, trong những năm tháng chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, quân và dân tỉnh Hà Giang đã có những đóng góp hi sinh rất lớn.

"Xót xa nhưng cũng rất tự hào trước sự hi sinh của đồng bào, đồng chí mình để bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, chúng ta thấy được trách nhiệm của mình, những người đang sống, trong đó có chăm sóc, hỗ trợ cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn", Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ.

Ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - cho biết, trong suốt 10 năm diễn ra cuộc chiến bảo vệ biên giới Bắc, Hà Giang là một trong những mặt trận ác liệt. Lượng bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại đặc biệt là tại các cao điểm dọc tuyến biên giới Việt - Trung vẫn còn nhiều.

"Địa bàn tỉnh Hà Giang chủ yếu là núi đá, đất cho canh tác ít, vì vậy cần làm sạch những diện tích bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật liệu nổ nhanh và sớm để người dân yên tâm lao động sản xuất, bảo vệ và giữ vững biên cương", ông Quý thông tin.

Từ năm 2012 đến nay, lực lượng công binh Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang đã dò tìm, xử lý thành công hơn 15 tấn bom mìn, vật liệu nổ phần lớn do cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 còn sót lại. Việc này đã giúp làm sạch hơn 12.000ha đất để người dân các xã biên giới yên tâm canh tác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn