MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo Hà Thị Phương Ly cầm tấm giấy khen của học sinh trong vụ sạt lở Trà Leng. Ảnh: Thanh Chung

Nóc Ông Đề đã thành làng mồ côi

Thanh Chung LDO | 31/10/2020 14:40

Sạt lở núi vùi lấp 15 hộ dân, 22 người chết và mất tích xảy ra ở nóc Ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng, huyện miền núi Nam Trà My khiến cả nước phải nhói lòng. Trong đó, có những em học sinh trong nháy mắt đã không còn cha, mẹ, dì, dượng, người thân... cũng chẳng còn căn nhà, làng cũ để trú ngụ.

Một lúc mất 8 người thân

Tang thương bao phủ cả đại ngàn khi vụ sạt lở nóc Ông Đề làm 22 người chết và mất tích. Nhưng nỗi đau tột bởi cùng lúc cả 8 người thân trong một gia đình đều bị vùi lấp, thiệt mạng và mất tích, không còn nhà để ở.

Lê Thanh Tú, học sinh lớp 11 là con trai của ông Lê Hoàng Việt - Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng không tin bố mình bị vùi lấp. Trước bão số 9, em ở nội trú trên Trường phổ thông Trung học dân tộc nội trú huyện Nam Trà My. Khi bão vào, bố mẹ còn gọi điện hỏi thăm và dặn dò em ở trong phòng, không được ra ngoài nguy hiểm.

“Trước một ngày mẹ có gọi hỏi có cần ba lên chở về không, em nói không cần vì sợ đường xa, sẽ vất vả cho ba. Sau một ngày, trời mưa to, ba gọi điện lên dặn em ở trong phòng không ra ngoài. Ba mẹ đang ở trong nhà rồi, cứ nghĩ, ba mẹ được an toàn rồi, ai ngờ...”- em Lê Thanh Tú nấc nghẹn.

Lê Thanh Tú - được các thầy giáo an ủi, động viên.

Đến nay ông Lê Hoàng Việt - Bí thư xã Trà Leng vẫn còn mất tích.

Ông Hồ Văn Đề - bố vợ anh Việt cho hay, trong lúc đi làm trên núi thì nghe tiếng nổ lớn, ông Đề lật đật chạy về làng thì tất cả đã bị sang bằng. “Tôi kêu thật to nhưng chẳng ai nghe trả lời. Tất cả 8 người là con ruột, con rể, cháu đều ra đi hết rồi. Đến nay, mới tìm được 2 người con là Hồ Văn Hùng và Hồ Văn Công còn 6 người nữa ở đâu rồi”- ông Đề nói trong nước mắt.

Cô giáo Lê Thị Hạnh - giáo viên Trường Phổ thông Trung học dân tộc nội trú huyện Nam Trà My cho biết, hôm bão số 9, nhà trường giữ các em lại, sợ các em chạy về gặp nguy hiểm. Hôm nay, nhà trường mới đưa các em trở về, nhìn cảnh mất mát, không ai cầm được nước mắt. Em Hồ Văn Hải, em trai Hồ Thị Hòa đang gánh chịu nỗi đau quá lớn khi cả 8 người thân bị thiệt mạng và mất tích trong vụ sạt lở này.

Chị Hồ Thị Hòa hơn 1 năm nay gửi con trai cho ba mẹ trông giữ, xuống thành phố Tam Kỳ học nghề làm tóc. Hôm bão số 9, chị ở dưới Tam Kỳ, nghe hung tin làng mình bị sạt lở, bà con mất tích. Mấy ngày tắc đường không về được, hôm trở về nhà, Hòa ngã quỵ khi nhìn thấy ngôi làng, căn nhà cùng 8 người thân, trong đó có cha mẹ và đứa con trai 4 tuổi của mình bị vùi lấp. Hết ngồi ôm mộ mà khóc, chị lại hướng về đống đổ nát dưới chân núi hy vọng tìm được người thân còn lại.

Lãnh đạo Trường Phổ thông Trung học dân tộc nội trú huyện Nam Trà My cho hay, nhà trường khi nhận được thông tin sợ các em bỏ về nên đã quán triệt không cho bất cứ học sinh nào về. Nay nhà trường mới lấy thông tin của 6 em có người thân bị mất tích và điều động giáo viên dẫn các em về.

"Nhà trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các em học hết lớp 12. Hoàn cảnh các em quá bi thương, người thân mất, nhà ở cũng không còn, các thầy cô phải liên tục động viên các em"- lãnh đạo này nói.

Cô giáo nhòe lệ trên giấy khen học trò còn sót lại

Lực lượng cứu nạn ngày đêm lùng sục trong đống đổ nát với hy vọng sớm tìm thấy các nạn nhân còn mất tích. Hàng chục thanh niên trai tráng từ các thôn nóc khác, vượt hàng chục cây số khiêng người bị thương đi cấp cứu.

Và hình ảnh cô giáo Hà Thị Phương Ly – giáo viên Trường THCS Trà Leng ướt đẫm nước mắt khi tìm thấy những tấm giấy khen của học trò trong đống đổ nát tại hiện trường.

Cô giáo Hà Thị Phương Ly cầm những tấm giấy khen của học sinh mà ướt đẫm lệ.

“Trong các nạn nhân chết và mất tích có 4 học trò của tôi. Các em đều là những học sinh ngoan hiền, học giỏi. Không biết còn phép màu nào dành cho học trò của mình không nữa” -cô Ly bộc bạch rồi đôi mắt làm ướt nhòe tấm giấy khen.

Đến thời điểm hiện tại, đã tìm thấy 8 thi thể vẫn còn 14 người mất tích trong vụ sạt lở thôn 1, xã Trà Leng.

Một số người được bố trí vào sống tạm trong Nhà Văn hóa thôn, chính quyền không để bà con chịu cảnh màn trời chiếu đất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn