MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nỗi đau của đứa trẻ 2 lần mồ côi và chông chênh của gia đình vì COVID-19

KHÁNH LINH LDO | 19/09/2021 18:58

Đại dịch COVID-19 cướp đi người thân của hơn 1.500 em nhỏ, nhưng trong số đó còn có những em trải qua nỗi đau 2 lần mồ côi, sự mất mát này như một cú sốc quá sức chịu đựng, ập xuống cuộc đời các em.

This browser does not support the video element.

Nỗi nhớ và nuối tiếc của những người ở lại bao trùm lên cả người lớn và những đứa trẻ trong gia đình. Video: Anh Tú.

Lê Hoàng Hoá (sinh năm 2007, ngụ Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quận Bình Thạnh, TPHCM) là em nhỏ đã phải trải qua 2 lần mất mát lớn của cuộc đời từ khi còn quá nhỏ. Mẹ em đã qua đời cách đây hơn 10 năm, nhưng nay ông trời lại nỡ cướp đi cả người bố thương yêu của em.

Chúng tôi tìm đến nhà em trong một buổi sáng cuối tuần nắng gắt, lối đi chính vào hẻm nhà đã bị chặn lại bởi nằm trong khu vực “vùng đỏ”. Lòng vòng một lúc, chúng tôi cũng tìm thấy nhà em ở sâu bên trong. 

Ngay từ cửa, tiếng “Nam mô a di đà phật” phát ra từ chiếc máy đặt trên bàn thờ đã vang lên rõ ràng. Trong ngôi nhà, cô ruột của bé là chị Lê Thị Kim Sa, mẹ kế của bé là chị Nguyễn Thị Ánh Nguyên cùng em Lê Hoàng Minh (sinh năm 2011) đang ngồi trước ban thờ.

Trong căn nhà từng đông đúc giờ chỉ còn lại bé Hoàng Minh, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyên (giữa) và chị Lê Thị Kim Sa (bên phải).

Cú sốc lớn

Hỏi về chuyện của gia đình, chị Sa không kìm được nước mắt khi kể lại. Anh L.H.Đ (sinh năm 1984) là anh trai lớn trong nhà, cả gia đình kinh tế khó khăn nên cùng thuê căn nhà nhỏ này để sinh sống. Anh L.H.Đ có 3 người con, 2 con lớn của vợ trước là bé Lê Hoàng Giang (2003) và bé Lê Hoàng Hoá (2007), và bé út Lê Hoàng Minh (2011) là con của vợ sau. 

Kể từ khi vợ cả anh mất, 2 anh em Hoàng Giang, Hoàng Hoá đều do một tay chị Sa và chị Nguyên chăm sóc. Anh L.H.Đ làm nghề tài xế, chạy xe đi nhiều nên kể từ dịch bệnh anh không dám về nhà, anh ăn ngủ trên xe luôn vì về sợ lây bệnh cho cả nhà. “Mấy tháng trước khi mất, anh cũng không về nhà gặp mẹ, gặp mấy đứa nhỏ đâu”- chị Sa kể lại.

Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyên ngày ngày nấu cơm thắp hương cho chồng.

Anh L.H.Đ bắt đầu bị bệnh từ cuối tháng 7. Ban đầu triệu chứng nhẹ nên anh không đi bệnh viện, tới khi bệnh đột ngột chuyển nặng sau 3 ngày thì anh mất. “Ngày 10.8, bệnh viện điện thoại gọi kêu em lên làm thủ tục mai táng cho anh. Em sốc lắm, em đau lắm, nghĩ đến 3 đứa nhỏ không biết phải làm sao”- chị Sa nói, không kìm được nước mắt.

Đang nói chuyện, điện thoại chị Sa reo lên, là Hoàng Hoá gọi tới. Bắt điện thoại lên nói chuyện, tiếng âm thanh bên kia trả lời lại cứ bập bõm lúc được lúc mất. Bé Hoàng Hoá không nói nhiều, nghe cô hỏi chỉ “dạ, dạ...”. Nhưng khi nhắc đến bố, cả 2 cô cháu đều rưng rưng nước mắt.

“Con nhớ cha không?”- Chị Sa hỏi.

“Dạ nhớ”- Giọng bé khàn đi rồi sau đó là sự im lặng đến nặng lòng. 

Hàng ngày, Hoàng Hoá thường gọi cho cô để tâm sự khi không có lớp học, chiếc điện cũ cứ chập chờn nhiều lúc không nghe thấy tiếng.

Qua âm thanh tiếng được tiếng mất, chúng tôi nghe Hoá trả lời về mong muốn trở lại TPHCM. Trước khi bố mất, Hoá về nhà chú ở Cần Thơ tránh dịch, ai ngờ đâu dịch bùng phát rồi ở đó luôn tới giờ. Đến khi bố mất cũng không thể trở về thắp nhang cho bố, Hoàng Hoá mong muốn được về “gặp” cha.

“Tư ơi làm sao con về bển được Tư. Em chỉ biết nói với cháu là thôi ráng đi con, qua dịch rồi Tư về rước con lên, cố gắng nghe con”- chị Sa kể lại.

Kể từ sau ngày biết tin bố mất, Hoá gầy sụt đi 5kg chỉ trong vòng 1 tuần. Khi chúng tôi hỏi, bé nói do buồn quá nên không ăn được, nghe mà xót xa. “Con không ăn được mà cũng không muốn ăn”- Hoá trả lời chúng tôi qua điện thoại.

“Từ ngày bé nó mất cha, nó ít nói hẳn, giống như là một cú sốc lớn quá khi đã mất mẹ rồi giờ lại mất cha. Bé nó có đăng lên Facebook như vậy, tôi đọc mà thấy tội rồi gọi cho cháu cũng chỉ biết động viên thôi, nói con phải ráng lên, giữ sức khoẻ để còn học hành”- chị Sa nói.

Mong con cái được học hành đầy đủ

Ở xa, lại phải học online nhưng chiếc điện thoại cũ khiến Hoá nhiều lúc không nghe được bài giảng online của thầy cô, thậm chí chỉ gọi điện nói chuyện với cô ruột mà tiếng cũng chập chờn lúc có lúc không. Nhưng nỗ lực học tập vượt lên trên tất cả, Hoá hàng ngày đều cố gắng hoàn thành bài tập, có những đêm 2-3h sáng mới đi ngủ. Để phần nào quên đi nỗi nhớ cha, bé chỉ có thể dồn thời gian vào việc học. 

Bé út Hoàng Minh, em trai Hoá đang ở cùng với cô và mẹ.

Cô giáo Nguyễn Diễm Hương (chủ nhiệm lớp 8 của bé) là người khi biết tin bé mất bố đã chủ động làm hồ sơ xin hỗ trợ học bổng đến hết năm lớp 12 cho bé. Cô Hương chia sẻ Hoá là một học sinh giỏi, có nhiều thành tích tốt. 

“Hoá là cậu bé học tập tốt, năm ngoái bé làm lớp trưởng. Không chỉ học giỏi mà bé còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của trường lớp, liên đội.

Khi nghe được hoàn cảnh của bé, tôi chủ động giúp bé làm hồ sơ để hỗ trợ thêm cho bé phần nào. Tôi cũng biết con chăm học nhưng việc học muộn tới 2-3h sáng có lẽ do cha bé mới mất, con không ngủ được nên học để quên đi. Kiến thức mới vào đầu năm học cũng không quá nhiều khiến các con phải thức khuya như vậy”- cô Hương nói. 

Hoá vốn dĩ là cậu bé nhanh nhẹn, học giỏi và tích cực trong trường lớp. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Tuy gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng từ nhỏ Hoá cũng đã là một cậu bé nuôi dưỡng ý chí học hành với nhiều thành tích học tập và nhiệt tình trong hoạt động của trường lớp. Hoàng Hoá cho hay từ trước đến nay em có một ước mơ nhưng lo gia đình khó khăn sợ không thực hiện được. 

“Con ước mơ trở thành bác sĩ, con sẽ cố găng học thật tốt nhưng con không biết có được không”- Hoá nói.

Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyên sau một hồi chuẩn bị cơm cúng cho chồng xong xuôi, ngồi một góc thẫn thờ trước ban thờ chồng nước mắt cứ thế tuôn rơi. Chị Nguyên tâm sự trước mắt cuộc sống có rất nhiều áp lực khi giờ dây phải gồng gánh nuôi nấng 3 đứa con khi trụ cột gia đình là chồng chị đã mất. 

“Giờ đây phải 3 đứa con nuôi ăn học, mà lương tôi đi làm cũng không ổn định, tháng chỉ khoảng 6 triệu đồng và còn phải trả tiền thuê nhà nữa, không thể đủ được. Sau dịch rồi, tôi cũng cố kiếm thêm công việc để làm thêm, cố kiếm tiền lo cho 3 đứa con. Anh nhà tôi lúc còn sống chỉ mong con cái được học hành đầy đủ”- chị nói mà nước mắt cứ thế tuôn rơi.

Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyên thẫn thờ ngồi nhìn ban thờ chồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn