MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công ty Haprosimex nợ BHXH khiến người lao động mất quyền lợi trong nhiều năm (ảnh chụp tháng 3.2023). Ảnh: Hà Anh

Nỗi khổ của 4,5 triệu lao động và câu hỏi về vai trò của Bảo hiểm xã hội

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 20/07/2023 06:20

Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã chưa thể hiện được vai trò của mình trong nhiều vụ việc người lao động phải ròng rã đi đòi quyền lợi. Và trong lúc hơn 4,5 triệu người lao động đang bị nợ BHXH, trách nhiệm của cơ quan BHXH cần phải được làm rõ.

Vật vã đòi quyền lợi BHXH

Ròng rã nhiều ngày đêm đầu tháng 6, chị Trần Thị Phương - công nhân Công ty TNHH SY VINA (xã Hoàng Đàn, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) - cùng những công nhân khác phải ăn, ngủ trước cổng công ty để đòi quyền lợi BHXH.

“Con nhỏ hơn 2 tuổi rồi nhưng mẹ vẫn chưa nhận được hỗ trợ thai sản, trong khi tháng nào, công ty cũng đều đặn thu tiền BHXH của công nhân” - chị Phương chia sẻ.

Công ty này đã nợ BHXH của công nhân suốt từ tháng 10.2020. Suốt từ thời điểm đó đến nay, mọi nỗ lực kiến nghị của người lao động đều thất bại. Và đó chỉ là một trong số hàng trăm nghìn đơn vị đang nợ đọng BHXH.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến thời điểm ngày 30.6, tổng số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là 15.797 tỉ đồng, chiếm 3,3% số phải thu. Tổng số đơn vị chậm đóng là 302.372 đơn vị với con số lên đến hơn 4,541 triệu người lao động bị nợ BHXH.

Lý giải cho những con số trên, BHXH Việt Nam nói rằng, “trước ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới do đại dịch COVID-19 và chiến sự Nga - Ukraina kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến tình trạng chậm đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn diễn ra phổ biến”.

Điển hình tại TP Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 5, số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị, doanh nghiệp là 3.956,75 tỉ đồng. Tại Hà Nội, con số này là hơn 3.660 tỉ đồng (tính đến tháng 2.2023).

Công nhân ngày đêm chờ trước cổng Công ty TNHH SY VINA (tỉnh Vĩnh Phúc) mòn mỏi chờ được trả nợ BHXH. Ảnh: Khánh Linh

Cơ quan BHXH chưa thể hiện rõ vai trò

Cần nhấn mạnh rằng, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định rất rõ rằng, cơ quan BHXH có quyền kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH; thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, đồng thời, xử lý vi phạm pháp luật hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về vấn đề này.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vụ việc cho thấy, cơ quan BHXH đã không cho thấy vai trò rõ nét của mình để đảm bảo quyền lợi nhà nước.

Điển hình như vụ việc suốt từ tháng 7.2011, hơn 500 công nhân tại Nhà máy dệt kim Haprosimex (Khu công nghiệp Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex bị nợ BHXH.

Vấn đề chỉ được xử lý cho tới khi vào tháng 3.2023, Báo Lao Động đăng tải loạt bài viết phản ánh. Và đến tháng 6 vừa qua, tức là phải sau đến 12 năm, Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex mới trả hết số tiền nợ BHXH của người lao động hơn 15 tỉ đồng.

Ngày 19.7, trả lời câu hỏi của PV Báo Lao Động về những động thái của ngành BHXH trong vụ việc trên, phía BHXH Việt Nam dẫn ra nhiều nội dung nhưng chỉ dừng lại ở thời điểm trước năm 2016.

Với lý do theo quy định tại khoản 9 Điều 22 của Luật BHXH số 58/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ 1.1.2016 thì cơ quan BHXH có quyền: Xử lý vi phạm pháp luật về BHXH hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

"Như vậy, kể từ ngày 1.1.2016, Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động" - phía BHXH Việt Nam cho hay.

Từ sau thời điểm 2016 đến thời điểm tháng 2.2023 (khi Báo Lao Động có bài phản ánh), không có động thái của ngành BHXH được cho biết để đẩy nhanh tiến độ xử lý vụ việc này.

Những thông tin này gây lo ngại và đặt ra câu hỏi về quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH sẽ được bảo đảm ra sao trong thời gian tới khi mà như chính ông Lò Quân Hiệp giờ là Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết, những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế có chiều hướng gia tăng; phổ biến như: Mua bán sổ BHXH qua mạng xã hội bằng hình thức nhận ủy quyền; mua bán, cấp khống giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; dùng các thủ đoạn tinh vi giả mạo giấy tờ sử dụng công nghệ cao để trục lợi quỹ BHXH; gửi đóng BHXH để lạm dụng hưởng chế độ BHXH;...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn