MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ điều tiết hợp lý nguồn nước để đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du mùa mưa bão sắp tới. Ảnh: Bảo Trung

Nỗi lo hàng loạt hồ đập ở Đắk Lắk xuống cấp, hư hỏng trong mùa mưa bão

Bảo Trung LDO | 11/07/2024 06:02

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hàng trăm hồ đập đang bị xuống cấp, hư hỏng. Nếu các hồ đập này không được duy tu, bảo dưỡng kịp thời sẽ gây mất an toàn cho người dân vùng hạ lưu khi thời tiết ở Tây Nguyên đã bước vào mùa mưa bão.

Nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, đến đầu tháng 7.2024, các cơ quan của đơn vị đã tiến hành kiểm tra 532 hồ chứa trên địa bàn tỉnh.

Kết quả, số lượng các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn là 115 công trình trong đó 108 công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; 7 công trình có nguy cơ mất an toàn. Điều đáng nói, có đến 29 đập bị thấm nước, 107 công trình bị biến dạng. Nhiều đập tràn xả lũ, cống lấy nước, bị xói lở, hư hỏng... gây mất an toàn trong mùa mưa, lũ.

Điều đáng nói, liên tục trong 3 năm qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra thực trạng nhiều công trình thủy lợi tại địa phương xuống cấp nhưng chưa được duy tu, bảo dưỡng kịp thời. Trong đó, có rất nhiều công trình quy mô lớn ở nhiều địa bàn xung yếu, cần được bố trí kinh phí sửa chữa để bảo đảm an toàn cho người dân vùng hạ du mỗi khi mùa mưa lũ đến gần.

Huyện M'Đrắk là một trong những địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề vào mùa lũ, ông Nguyễn Thế Thập - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - cho biết: "Toàn huyện đang có khoảng 60 hồ đập lớn, nhỏ. Đa phần những công trình này đều được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ nước.

Qua hàng chục năm khai thác, vận hành thì mưa lũ đã gây bồi lắng, dẫn đến tích nước kém trong mùa khô, khi mưa lũ thì tràn ra gây ngập cho một số khu vực.

Những hồ chứa lớn như Ea Bôi, Ea Ktung (xã Krong Dinh) và Ek Pawl (thị trấn M'Đrắk) dù đã được sửa chữa, bảo trì nhưng do sự bồi lắng của bùn cát đã làm giảm chất lượng vận hành. Do đó, rất cần cơ quan có thẩm quyền cho phép nạo vét lòng hồ, bảo đảm an toàn cho người dân khi mùa mưa lũ tới.

Kiến nghị bố trí kinh phí khắc phục hư hỏng

Ông Đoàn Quang Hưng - Chánh Văn phòng, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk thông tin, thiên tai sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường.

Những tháng cuối năm 2024 có thể xảy ra bão, lũ dồn dập do tác động của hiện tượng La Nina.

Chính vì vậy, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn rà soát lại kịch bản ứng phó thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ.
Địa phương cần xác định trọng điểm xung yếu, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ rủi ro trước mùa mưa lũ.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho hay, đơn vị đã kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk bố trí ngân sách hỗ trợ các tổ chức khai thác công trình thủy lợi kiểm định an toàn đập; lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; lắp đặt thiết bị và quan trắc công trình đập, hồ chứa nước. Sở đề nghị UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đôn đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam rà soát các đập, hồ chứa thủy lợi bàn giao về địa phương.

Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ chứa thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, mất an toàn và có nguy cơ mất an toàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn