MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tập huấn sơ cứu cho học sinh tại trường học. Ảnh NVCC

Nỗi lòng bị bỏ rơi của nhân viên y tế học đường được tuyển sau 15.2.2023

Hà Quyên LDO | 06/12/2023 17:28

Gửi chia sẻ tới Báo Lao Động ngày 5.12, độc giả là nhân viên y tế học đường trúng tuyển vào viên chức sự nghiệp sau ngày 15.2.2023 bày tỏ sự hoang mang lo lắng.

Sau khi Báo Lao Động đăng tải bài viết "Bộ GDĐT đề nghị Bộ Nội vụ điều chỉnh vị trí việc làm cho nhân viên y tế học đường", rất nhiều bạn đọc đã gửi chia sẻ, bình luận bày tỏ quan điểm và mong muốn các cơ quan chức năng sớm sắp xếp lại vị trí việc làm để đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ nhân viên y tế học đường.

Bạn đọc Nguyễn Thị Xoa chia sẻ, bản thân là nhân viên y tế trường học và thuộc diện vào ngành sau ngày 15.2. Chị mới trúng tuyển vào viên chức, trước đó chị đã làm hợp đồng 10 năm tại vị trí công việc này.

“Dù trúng tuyển sau 15.2 nhưng số năm công tác của tôi rất nhiều. Niềm vui được ăn lương biên chế không bao lâu, giờ Thông tư 19 và 20 ra đời làm dập tắt ngọn lửa đam mê nghề nghiệp” – chị Xoa tâm sự.

Ở độ tuổi 35, đã có gia đình và con nhỏ, sự bấp bênh trong công việc khiến chị lo lắng. Trong khi cán bộ nhân viên khắp cả nước đang hân hoan chờ đón chính sách đãi ngộ cải cách chế độ lương bổng, chị Xoa cũng như đồng nghiệp lại hoang mang lo sợ đến ngày thông tư có hiệu lực.

Nhân viên y tế học đường có nhiều việc và áp lực, nhất là tại các trường đông học sinh. Ảnh minh họa: Ngọc Viên

Theo chị Nguyễn Thị Hương, một người có thâm niên hơn 10 năm là nhân viên y tế học đường tại trường tiểu học tại Hà Nội, công việc này không nhàn như nhiều người nghĩ. Mỗi ngày, nhân viên y tế học đường cần đảm nhiệm các công việc như: Sơ cấp cứu cho học sinh; phối hợp lập kế hoạch và cùng với cơ quan tế địa phương khám sàng lọc phát hiện bệnh lý; phối hợp với giáo viên tư vấn ổn định tâm lý cho học sinh khi có các tình huống hoặc trong các trường hợp có bệnh truyền nhiễm, di truyền, dậy thì sớm; tuyên truyền giáo dục truyền thông sức khỏe với nhiều hình thức…

Đặc biệt, một nhiệm vụ quan trọng khác của nhân viên y tế học đường là chịu trách nhiệm trước ban giám hiệu về công tác vệ sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường (xét nghiệm, lưu nghiệm thức ăn, nước uống…); phải giám sát định lượng, chất lượng thực phẩm sống, chín, giám sát khẩu phần ăn thêm (quà chiều), tiếp nhận tổng hợp thông tin phản hồi từ giáo viên, học sinh kịp thời tư vấn để ban giám hiệu điều chỉnh thực đơn theo ngày, tuần, tháng đảm bảo khẩu phần cung cấp dinh dưỡng.

Thông tư số 19 và Thông tư số 20 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành hồi tháng 10 hướng dẫn về vị trí việc làm cấp mầm non và phổ thông, trong đó vị trí việc làm y tế học đường được xếp vào danh mục hỗ trợ, phục vụ và thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với PV Báo Lao Động, TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục cho biết, Thông tư số 19, Thông tư số 20 của Bộ GDĐT đã quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo quyền lợi cho đội ngũ nhân viên y tế trường học đã được tuyển dụng trước ngày 15.2.2023.

Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên y tế trường học tuyển mới sau ngày 15.2.2023 (thời điểm Thông tư số 12 có hiệu lực) phải thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động, gây khó khăn, tâm lý không ổn định cho đội ngũ này trong trường học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tiếp tục đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ danh mục hỗ trợ, phục vụ sang danh mục vị trí việc làm chuyên môn dùng chung để bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ này khi tuyển dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn