MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những chú chó thả rông, không rọ mõm được bắt chó. Ảnh: Thành An.

Nỗi lòng đội bắt chó thả rông: Hàng xóm mắng mỏ, dọa "cạch mặt"

HUYÊN NGUYỄN LDO | 07/04/2019 16:49

Không phải ai cũng ủng hộ khi chính quyền tổ chức ra quân săn bắt chó thả rông, không rọ mõm, chính vì thế, những người tình nguyện tham gia công việc này như ông Vũ Quang Minh (63 tuổi, phường Hạ Đình, Thanh Xuân) đôi khi phải hứng chịu áp lực từ chính hàng xóm của mình, thậm chí là bị mắng chửi, “cạch”mặt.

“Biệt đội” săn chó

Hơn một năm nay, mỗi khi ra quân săn bắt chó thả rông, không rọ mõm, ông Vũ Quang Minh (63 tuổi) – Trưởng ban bảo vệ, đội trưởng đội bắt chó phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) đều đến trụ sở UBND phường từ sớm để chuẩn bị các dụng cụ, phương tiện sẵn sàng.

Theo ông Minh, đội bắt chó phường Khương Đình gồm 6 thành viên (chủ yếu là bảo vệ tổ dân phố, cán bộ về hưu) tham gia trên tinh thần tự nguyện. Đội thường chia nhau 2 người 1 xe và xách theo 3 cây vợt, thòng lọng và lồng sắt chạy lòng vòng trên các tuyến đường, ngõ phố, đặc biệt là khu vực ao, hồ để “săn” chó thả rông.

Để bắt được chó, theo ông Minh, điều quan trọng nhất là các thành viên phải tự nguyện, nhiệt tình, có sức khoẻ và "không sợ chó", nhanh chóng tóm lấy điểm huyệt của con chó thì mới không thoát và không quay lại cắn người bắt được.

Trước khi tham gia thực hiện nhiệm vụ, họ đã được hỗ trợ tiêm phòng dại, và có kinh nghiệm xử lý khi bắt giữ để tránh bị chó cắn.

Ông Minh kể: “Anh em trong đội hiểu ý nhau, biết rõ sự nguy hiểm nếu mọi người bị chó cắn nên luôn quyết liệt bắt bằng được con chó thả rông.

Mỗi đợt ra quân, đội đều bắt được 3-4 con. Chó bị bắt được đưa về nhốt tại UBND phường. Chủ của chó muốn nhận lại vật nuôi phải lên nhận hoá đơn và nộp phạt. Khi đó, người dân sẽ phải đem theo chứng minh nhân dân và giấy tiêm phòng của chó, nếu chưa tiêm phòng, phường sẽ tiêm với mức phí rất rẻ, chưa tới 20.000 đồng”.  

Bị chửi mắng vì tham gia đội bắt chó thả rông

Theo những thành viên của đội, nhiệm vụ khó khăn nhất của họ không phải là săn, bắt chó mà là để người dân thấu hiểu.

Khi chuẩn bị thực hiện chiến dịch, UBND phường đã ra thông báo bằng loa đài, gửi thông báo cho tổ dân phố người dân không được thả chó ra ngoài nếu không rọ mõm, không có người đi cùng và không được cho chó đi phóng uế bừa bãi.

“Thế nhưng, không phải ai cũng chịu hiểu. Khó khăn nhất của chúng tôi là khi đi bắt chó thả rông bị người dân mắng chửi bới. Mỗi lần đi bắt về là họ gọi điện nói chuyện rất khó nghe,  dọa cạch mặt, tình làng nghĩa xóm cũng từ đó mà bị ảnh hưởng.

Có lần, tôi phải nghe mắng qua điện thoại gần 20 phút. Nhưng điều đó cũng không sao khi chúng tôi phục vụ vì nhân dân và làm đúng thì không sợ”, ông Minh chia sẻ.

Những chiếc vợt được trang bị để bắt chó. Ảnh: Thành An

Cũng theo vị đội trưởng này, có những lần khi đội vừa bắt xong thì bị chủ ra đòi. Khi đó, đội phải giải thích rõ ràng cho người dân hiểu. Lâu dần, làm nhiều rồi vừa làm, vừa tuyên truyền thì người dân cũng hiểu.

Ông Minh hào hứng kể: “Nhiều khi tôi tưởng mình bị “mất” hàng xóm vì tham gia đội bắt chó thả rông. Nhưng dần mọi người đã hiểu rõ công việc của chúng tôi. Vui nhất là chúng tôi chưa bắt gặp chủ vật nuôi nào tái phạm, phải lên nhận chó và nộp phạt lần thứ 2. Mức độ thả rông chó của người dân cũng giảm hẳn”.

Được biết, để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ, đội làm việc bất ngờ chứ không có lịch trước, thậm chí, trong tổ bảo vệ cũng không biết trước nhiệm vụ mà sẽ gọi bất ưng.

Bà Mai Thị Lan Hương, Trạm Thú y Thanh Xuân cho biết, đội chuyên trách bắt chó thả rông thành lập nhằm nâng cao ý thức của người dân trên địa bàn trong việc đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người khác.

Theo bà Hương, khi bắt giữ chó, phía Trạm Thú y Thanh Xuân sẽ thông báo qua loa phường đề nghị chủ sở hữu đến nộp phạt và đem chó về. Sau thời gian quy định, chó không có người nhận thì được tiêm phòng và chuyển sang Trung tâm bảo vệ động vật.

Theo Nghị định 90/2017 của Chính phủ, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.

Trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự như trên.

Quy định này cũng nêu rõ chó thả rông bị bắt sau 72 giờ nếu không có người tới nhận sẽ được đem đi tiêu huỷ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn