MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sở VHTT mới đưa ra dự thảo về quy chuẩn phát ngôn của cán bộ, công chức, Hà Nội. Ảnh minh họa: HNM

Nói ngọng, nói lắp: Cấm là làm khó cán bộ, công chức

V.T LDO | 04/10/2017 16:02
Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho hay, Sở vừa trình UBND Hà Nội dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Theo dự thảo, cán bộ, công chức không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân, phải hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương; tuyệt đối không nói trống không, cộc lốc… Cán bộ, công chức khi phát ngôn phải có tác phong tự tin, cử chỉ đúng mực, tôn trọng các giá trị văn hóa và sự khác biệt trong quá trình phát ngôn, không ngắt lời người khác khi chưa thực sự cần thiết.

Trao đổi với PV Lao Động, bà Vũ Thanh Liễu – Phó Giám đốc TT Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, người lao động là tương đối cần thiết. Bởi điều này sẽ giúp hình ảnh của những người phục vụ, thường xuyên giao tiếp với nhân dân.

“Những quy chuẩn như cán bộ, công chức không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, không nóng giận…vì khi người ta nóng giận hoặc mất bình tĩnh có thể sẽ có những lời lẽ không hay, chưa thấu đáo..” – bà Liễu nói.

Liên quan đến quy định về việc quy định, ngôn ngữ sử dụng trong phát ngôn cần đảm bảo dễ nghe, dễ hiểu, hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương… Phó Giám đốc TTDVVL cho rằng điều này chỉ có thể hạn chế chứ không nên cấm. “Nếu cấm là rất khó cho cán bộ, công chức, viên chức… đặc biệt là những người thường xuyên giao tiếp với công dân. Bởi giọng nói của nhiều người đã ngấm vào người ta rất lâu, thay đổi không chỉ ngày một ngày hai mà được”.

Cũng liên quan đến việc hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương, một cán bộ trong ngành Hải quan tại Hà Nội cho hay: “Thực tế, việc nói ngọng, nói lắp một số cán bộ, công chức vẫn có thể hay gặp phải. Có những người sửa được khi nói chuyện chậm nhưng khi phát biểu nhanh lại vấp. Nói ngọng là do đặc trưng vùng miền, do vậy muốn sửa cần phải có thời gian. Bởi họ đã nói như vậy theo thói quen cả mấy chục năm, có người gần cả cuộc đời, đến lúc sắp nghỉ hưu thì yêu cầu họ học nói lại là hơi bất khả thi. Điều này cần phải linh động trong dự thảo”.

Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ khi người cùng giao tiếp nóng giận, bức xúc thì cán bộ, công chức Hà Nội phải bình tĩnh, nhẹ nhàng giải thích, động viên, chia sẻ; tuyệt đối không nóng giận, xúc phạm hay dùng vũ lực đối với người khác, trừ trường hợp được pháp luật cho phép... Cán bộ, công chức không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân. Tạm dừng các công việc khác, tập trung cao cho việc phát ngôn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn