MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Kim Tài - người thợ tàu có hơn 40 năm kinh nghiệm làm nghề. Ảnh: Quỳnh Trang

Nỗi niềm của người thợ sửa chữa tàu cá giỏi bậc nhất Hà Tĩnh

Quỳnh Trang LDO | 04/11/2023 09:07

“Thầy lang thuyền” là biệt danh thân thương mà ngư dân vùng biển Cửa Nhượng, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) gọi ông Nguyễn Kim Tài - một thợ sửa tàu có tiếng trong vùng với hơn 40 năm gắn bó với nghề.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề

Sinh ra trong một gia đình lấy nghề đi biển làm nghiệp mưu sinh ở làng chài, lớn lên bên mạn thuyền, hơn ai hết ông Nguyễn Kim Tài luôn thấu hiểu nỗi vất vả và cả sự hiểm nguy của ngư dân khi tàu thuyền bị hỏng hóc.

Tiếp nối nghề cha ông để lại, ông Nguyễn Kim Tài luôn tận tâm với việc sửa chữa tàu thuyền. Ảnh: Quỳnh Trang

Lớn lên bên tiếng đục, tiếng bào cùng với nghề của cha, từ nhỏ ông Tài bắt đã cảm thấy thích thú với nghề sửa chữa tàu thuyền nên lên đến lớp 6, ông bắt đầu theo cha học việc. Bắt đầu từ những việc đơn giản nhất như phụ cha chọn ván, đo đạc đến làm phụ, dần dần tình yêu nghề bắt đầu ăn sâu vào tiềm thức của ông.

Nghề sửa tàu thuyền của gia đình ông Tài là nghề gia truyền đã có từ thời ông nội. Năm 17 tuổi, ông đã rành nghề và theo cha lang bạt khắp nơi từ Bắc vào Nam làm nghề sửa tàu. Sau này khi cha già, ông đã chọn trở về với quê hương.

Hơn 40 năm hành nghề, kinh nghiệm đầy mình, ông trở thành thợ sửa tàu có tiếng trong vùng.

Những con tàu đã được sửa chữa sẵn sàng ra khơi. Ảnh: Quỳnh Trang

Đến nay, xưởng sửa chữa tàu của ông hoạt động đã hơn 20 năm. Trong đó, xưởng có trên 10 nhân công làm việc và là một trong những xưởng chữa tàu lớn và có tuổi đời lâu nhất trong vùng. Mỗi năm, xưởng sửa chữa cho cả trăm con tàu lớn bé, mỗi ngày có hàng chục con tàu đến neo đậu xung quanh xưởng chờ sửa chữa.

Tâm sự về nghề, ông Tài chia sẻ: “Công việc rất vất vả nhưng tôi yêu nghề này vì nó là nghề của cha ông để lại. Tôi lớn lên, lập gia đình, nuôi con cái khôn lớn cũng nhờ nó. Con tàu chính là ngôi nhà, là nguồn sống của ngư dân nên khi sửa chữa tàu phải quan sát tỉ mỉ xem tàu bị hỏng hóc ở đâu, từng miếng ván, cây đinh phải được chọn lựa kĩ càng".

Để tăng độ chống nước vỏ tàu, công nhân phủ lưới nhựa sau đó phủ thêm lớp keo. Ảnh: Quỳnh Trang

Theo ông Tài, tất cả tàu đánh bắt đều được đóng bằng vật liệu gỗ thông thường, mỗi năm “lên đà” một lần, nhất là vào thời điểm biển động, ngư dân tranh thủ cho tàu đi tu sửa để lúc biển lặng có thể kịp cho những chuyến vươn khơi.

Không chỉ sơn mới hay thay ván tàu, các chủ tàu có thể yêu cầu đại tu khi phương tiện gặp sự cố hư hỏng hoặc xuống cấp. Thường khi tàu lên đà cũng phải mất từ 3 đến 15 ngày tùy vào công suất và tàu nào hư hỏng nặng thì thời gian sửa dài hơn.

Để kịp cho những chuyến vươn khơi của ngư dân, ông Tài và các thợ tàu tranh thủ thời gian cố gắng hoàn thành các công đoạn sửa chữa tàu một cách nhanh nhất có thể.

Lo nghề sẽ mai một dần

Ông Tài cho biết, vùng biển Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh trước là một vịnh biển êm khuất gió. Trước đây, vùng này có rất nhiều tàu thuyền đến neo đậu nghỉ ngơi sau những chuyến vươn khơi. Không chỉ có tàu thuyền của ngư dân địa phương mà còn rất nhiều tàu thuyền ở vùng khác đến dừng chân chờ tu sửa.

Nhiều năm qua, xưởng sửa chữa tàu của ông Tài vẫn duy trì, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng hơn chục người lao động với mức thu nhập 350.000-380.000 đồng/ngày.

Mũi tàu là bộ phận đương đầu với những con sóng được thợ thuyền dành nhiều thời gian để xử lý. Ảnh: Quỳnh Trang

Thời kỳ vàng son, vào những năm 2010, 2011, xưởng ông luôn có khoảng trên 30 người lao động, mỗi năm sửa chữa cả trăm con tàu.

Điều khiến ông Tài lo lắng lâu nay là việc đào tạo lớp thợ kế cận. Để thu hút được lớp trẻ học nghề này hiện rất khó vì nghề vất vả, khó cạnh tranh được với nhiều ngành nghề khác. Phần lớn thợ chính trong cơ sở đóng tàu của ông là thợ già, chủ yếu ở độ tuổi ngũ tuần.

“Lao động ở nước ngoài hàng tháng kiếm được hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng nên nhiều thanh niên trong làng không hào hứng chọn nghề vất vả lại làm việc trong một môi trường bụi bặm, dầu mỡ đen đúa cả đời như cái nghề đóng tàu này. Điều khiến tôi trăn trở nhất đó là hết thời của chúng tôi, nghề cũng biến mất” - ông Tài nói.

Những người thợ tàu như ông Tài chính là hậu phương vững chắc cho những con tàu thỏa sức vùng vẫy với đại dương bởi họ làm nghề không chỉ vì mưu sinh mà bằng tất cả tình yêu biển, yêu quê hương họ gửi gắm vào mỗi con tàu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn