MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bánh chưng Cầu Báng ở Thái Bình nổi tiếng vì thơm ngon, có hương vị riêng biệt. Ảnh: Trung Du

Nơi quanh năm nấu bánh chưng ở Thái Bình thêm gạo, tăng lửa vào Tết

TRUNG DU LDO | 05/01/2023 09:00
Thái Bình - Không chỉ tăng thêm gạo nếp, thêm lửa mà tất cả mọi thứ từ đỗ xanh, thịt lợn, lá dong... cho đến nhân công đều tăng gấp nhiều lần ngày thường để có thể kịp phục vụ nhu cầu của thị trường.

Đó là những hình ảnh dễ gặp, chi tiết dễ thấy nhất những ngày này khi đến với vùng đất chuyên nấu bánh chưng Cầu Báng nổi tiếng ở thôn Đồng Thanh (xã Tân Bình, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình).

Nghề nấu bánh chưng truyền thống gần trăm tuổi

Các cụ cao niên trong thôn Đồng Thanh kể lại rằng, nghề làm bánh chưng truyền thống Cầu Báng đã có khoảng gần 100 năm qua. Sở dĩ gọi là bánh chưng Cầu Báng vì trước đây, nhiều chục hộ dân sinh sống quanh cây cầu nhỏ tên là Cầu Báng quanh năm, suốt tháng đã gói, nấu bánh chưng mang ra bán ở chợ.

Sau này, người dân không phải mang bánh ra ngồi bán ngoài chợ nữa mà chỉ bán buôn, bán lẻ ngay tại nhà mà cũng bận rộn, tất bật cả năm, bánh làm ra ngày nào gần như bán hết ngày đó.

Đến nay, tại khu vực quanh Cầu Báng chỉ còn lại hơn 10 hộ dân vẫn gắn bó, gìn giữ được nghề truyền thống do các cụ từ xa xưa để lại.

Gạo nếp, nhân đỗ xanh thịt lợn, lá dong được tuyển lựa kỹ càng. Ảnh: Trung Du

Gia đình ông Vũ Đình Phôi (sinh năm 1963, trú thôn Đồng Thanh, xã Tân Bình) là một trong số hơn 10 hộ dân Cầu Báng còn sót lại đến hiện tại vẫn gắn bó với nghề làm bánh chưng vốn luôn phải vất vả chịu khó, thức khuya dậy sớm này.

"Năm nay tôi 60 tuổi thì có đến gần ngần ấy năm hầu như ngày nào cũng được chứng kiến và trực tiếp làm ra hàng triệu, triệu tấm bánh chưng lớn nhỏ để bán cho khách. Đến đời tôi là đời thứ 3 kế thừa, phát triển nghề làm bánh do các cụ truyền nối lại nên tất cả các nguyên liệu từ gạo nếp, lá dong, đỗ xanh, thịt lợn, hành khô... đều được tuyển lựa hết sức kỹ càng để bảo đảm hương vị, độ thơm ngon và an toàn vệ sinh cho chiếc bánh thành phẩm. Có như vậy mới lưu giữ được chân khách hàng đến tận bây giờ", ông Phôi nói.

Từ đàn ông, phụ nữ, trẻ em đều tham gia làm bánh, gói bánh. Ảnh: Trung Du

Theo ông Phôi, đặc trưng dễ thấy nhất của bánh chưng Cầu Báng là từ xuân, hạ, thu, đông, nếu không có việc đại sự hay ốm đau bất thường thì gần như ngày nào người dân ở đây cũng gói bánh, nấu bánh, chứ chẳng ngay lễ, tết.

"Những ngày bình thường gia đình tôi gói nấu khoảng 200 chiếc bánh lớn, nhỏ. Dịp lễ, tết cuối năm như thế này, cứ làm tăng dần số lượng lên tùy theo nhu cầu mua bánh để cúng, thắp hương, biếu tặng của khách hàng gần xa. Cao điểm nhất trong năm thường từ ngoài 20 tháng Chạp âm lịch cho đến chiều tất niên, lượng bánh lúc này tăng lên khoảng 1.000 - 1.500 chiếc/ngày", ông Phôi cho biết thêm.

Trẻ con, người già cũng tăng cường làm bánh phục vụ Tết

Bánh chưng Cầu Báng chia thành hai loại là bánh chưng gù và bánh chưng vuông. Bánh chưng gù là bánh loại nhỏ, được gói hoàn toàn bằng tay, có hình lục giác đều, giá bán từ 5000 đồng - 10.000 đồng/1 chiếc. Bánh chưng vuông gói bằng khuôn gỗ, độ to nhỏ tùy theo giá bán, từ 30.000 đồng - 50.000 đồng/1 chiếc.

Bà Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1968, vợ ông Vũ Đình Phôi) luôn chân, luôn tay vừa bán bánh vừa gói bánh mới. Ảnh: Trung Du

"Bánh chưng ở đây của chúng tôi ngon nổi tiếng là nhờ được nấu từ gạo nếp thơm, hạt gạo mẩy, đậm đà được chuyển về từ các cánh đồng ở nhiều nơi tại quê lúa. Lá dong dùng để gói bánh cũng phải chọn loại to nhất, không rách, lá không già quá hay non quá để khi luộc xong vỏ bánh, thân bánh có màu xanh nõn, nhìn ngon mắt.

Đỗ xanh thì phải chọn hạt to đều, xay nhuyễn, đồ vừa chín tới, nắm thành những nắm tròn hay dẹt. Thịt lợn dùng làm nhân phải lựa đúng loại thịt ba chỉ ngon, sạch để nhân bánh vừa đậm lại vừa bùi", anh Vũ Tiến Phòng (33 tuổi, con trai ông Vũ Đình Phôi) - tiết lộ bí quyết để gia đình làm ra được những chiếc bánh chưng thơm ngon, đẹp mắt nhất.

Bếp than luôn đỏ lửa ngày đêm mới đủ bánh chưng phục vụ Tết Nguyên đán. Ảnh: Trung Du

Ngày thường, đàn ông Cầu Báng đảm nhiệm gói bánh, xếp bánh vào nồi luộc, vớt bánh, rồi ép bánh. Còn phụ nữ vo gạo, vo đỗ, rửa lá dong, thái thịt lợn, bán bánh. Đến ngày cận lễ, tết, ngay cả người già, trẻ em cũng tham gia vào gần như tất cả các công đoạn làm bánh. Không khí mỗi lúc một hối hả, tất bật.

Qua Rằm tháng Chạp kéo dài đến tận ngày cuối cùng của năm âm lịch, các bếp than luộc bánh chưng ở Cầu Báng đỏ lửa 24/24 chẳng nguội phút nào.

Cứ như thế, bao nhiêu năm qua, bánh chưng Cầu Báng được làm ra, bán đi hầu khắp tỉnh Thái Bình để rồi xuất hiện như món quà quý trên mâm cỗ cúng gia tiên, trong bữa cơm ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn