MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ thượng cờ thống nhất non sông diễn ra ở nơi từng là giới tuyến tạm thời. Ảnh: Hưng Thơ

Nơi tôn vinh các giá trị hòa bình

Hưng Thơ LDO | 11/02/2024 21:48

Trên mảnh đất một thời là giới tuyến quân sự tạm thời, với nỗi đau chia cắt ròng rã nhiều năm và hứng chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, tới đây sẽ diễn ra một lễ hội đặc biệt, riêng có, kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai. Đó là Lễ hội Vì Hòa bình, được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Quảng Trị.

Chính phủ ủng hộ, Quảng Trị nỗ lực thực hiện

Ông Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói rằng, sau nhiều năm thai nghén, được sự đồng ý về chủ trương của Văn phòng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Trị đã có kế hoạch tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình vào tháng 7.2024.

Mục đích của lễ hội này, nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại. Lễ hội là dịp tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra.

Thông qua lễ hội Vì Hòa bình, sẽ xây dựng Quảng Trị từng bước trở thành không gian văn hóa vì Hòa bình, điểm đến vì hoà bình, biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất bị tàn phá khốc liệt do chiến tranh; nơi họp mặt, chia sẻ của những thành phố, những dân tộc từng bị chiến tranh hủy diệt như Quảng Trị.

Để đạt được mục đích nói trên, Quảng Trị đã dày công “lên kịch bản” chi tiết cho lễ hội. Trước lễ khai mạc, sẽ diễn ra ngày hội “Đạp xe vì hòa bình” với quy mô toàn quốc và mời vận động viên một số quốc gia cùng tham gia, để giới thiệu một số di tích lịch sử tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình là một chương trình nghệ thuật đa sắc thái, nhiều điểm chạm cảm xúc, chuyển tải thông điệp về khát khao hòa bình và tinh thần hội nhập của Việt Nam, mà trọng tâm là mảnh đất Quảng Trị - nơi đang lưu giữ những chứng tích của một thời hào hùng oanh liệt, và ngày nay mang tầm vóc thời đại kết nối tình ái hữu quốc tế với trầm tích lịch sử - con người thân thiện – văn hóa riêng có.

Sau lễ khai mạc, những ngày sau đó sẽ diễn ra chương trình giao lưu quảng bá văn hóa, du lịch như giao lưu âm nhạc “Giai điệu hòa bình”, Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực “Hương vị miền nắng gió” và giao lưu Diều nghệ thuật quốc tế.

Đặc biệt, là chương trình “Ước nguyện hòa bình”, gồm lễ dâng hoa, dâng hương, thả hoa đăng, cầu nguyện, kèm theo đó là tiếng chuông cầu nguyện hòa bình tại Bến thả hoa bờ Bắc Sông Thạch Hãn và Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị. Các hoạt động này diễn ra đồng thời cùng các hoạt động tri ân tại 72 nghĩa trang liệt sĩ, 6 Bia tưởng niệm, nhà thờ, nhà chùa trên địa bàn tỉnh…

Cánh cửa hữu nghị, đoàn kết

Cuối tháng 7.1954, theo Hiệp định Giơnevơ, đất nước ta bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17, dòng sông Bến Hải (huyện Gio Linh và Vĩnh Linh) ở Quảng Trị làm ranh giới tạm thời. Từ đó, dòng sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của dân tộc. Trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, cũng là chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã ượt qua mọi khó khăn, tàn khốc của cuộc chiến, kiên cường anh dũng bám trụ, chiến đấu và bảo vệ quê hương đến ngày đất nước thống nhất (30.4.1975).

Năm 2020, lần đầu tiên Đại sứ Mỹ và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cùng ghé thăm, đi bộ qua cầu Hiền Lương – cây cầu từng mang trong mình nỗi đau chia cắt đất nước suốt 21 năm. Ảnh: HT.

Kể từ đó, Quảng Trị trở thành biểu tượng chung của cả nước, niềm tự hào chung về một thời hào hùng và khát vọng hòa bình của một dân tộc Việt Nam anh hùng. Từng chứng kiến quá nhiều sự khốc liệt của chiến tranh, chịu đựng quá nhiều sự hy sinh mất mát, cho nên hòa bình lúc nào cũng là khát vọng cháy bỏng, là mong muốn chung của nhân dân Quảng Trị cũng như của toàn thể nhân dân Việt Nam. Khát vọng hòa bình của thế hệ hôm nay và mai sau cũng chính là nói lên tâm nguyện của hàng chục vạn anh linh liệt sĩ, các nạn nhân chiến tranh đang ở trong lòng đất mẹ Quảng Trị.

“Vì thế, Lễ hội Vì Hòa bình tổ chức trên mảnh đất Quảng Trị là thỏa đáng” – ông Võ Văn Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nói.

Theo ông Võ Văn Hưng, thông điệp mà Lễ hội Vì Hòa bình là tôn vinh các giá trị của hòa bình, hướng tới những giá trị tốt đẹp trong đời sống, tri ân thế hệ trước đã hi sinh cho nền hòa bình của dân tộc, khơi gợi cảm hứng tự hào tiếp bước cho thế hệ hôm nay vững tin trên hành trình hội nhập dựng xây đất nước. Đồng thời tạo nên điểm chạm cảm xúc kết nối mọi người khắp nơi dọc miền đất nước và thế giới hội tụ về Quảng Trị, tôn vinh giá trị của hòa bình, qua đó chung tay kiến tạo những hoạt động thiết thực, xây đắp nền hòa bình thịnh vượng chung cho toàn nhân loại. Từ đó, kỳ vọng thông qua lễ hội sẽ xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất đã từng bị hủy diệt do chiến tranh.

Cựu phi công từng tham gia chiến trường Quảng Trị trở lại sân bay Tà Cơn (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) và cùng trồng cây với các cựu chiến binh huyện Hướng Hóa. Ảnh: HT.

"Việc Lễ hội Vì Hòa bình được tổ chức lần đầu tiên tại Quảng Trị vào năm 2024 là mở ra cánh cửa đầu tiên để Quảng Trị là điểm đến, là nơi hội tụ, là nơi biểu hiện sâu sắc sự đoàn kết, hữu nghị với thế giới. Đây chính là động lực, là tiêu đề, là yếu tố giúp Quảng Trị phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay”- ông Võ Văn Hưng, cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn