MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện nay, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện Điện Biên, tận dụng những tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Ảnh minh họa: dienbien.gov.vn.

Nông dân dạy nông dân thay đổi tập quán chăn nuôi, trồng trọt lạc hậu

TUYẾT ANH LDO | 01/12/2023 12:07

Từ mô hình sản xuất kinh doanh của mình, nhiều hộ nông dân đã dẫn dắt các hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi, trồng trọt lạc hậu, sang phương thức chăn nuôi, trồng trọt tiến bộ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Thời gian qua, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi của hội viên nông dân là động lực tác động tích cực đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Hiện trên địa bàn huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) có trên 900 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Để khuyến khích các hội viên nông dân trong huyện tận dụng những tiềm năng, thế mạnh sẵn có phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu, Hội Nông dân huyện Điện Biên đã tích cực tuyên truyền vận động hội viên liên kết, tạo sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị để cung ứng cho thị trường.

Trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện nhiều nội dung, nhất là công tác hỗ trợ.

Cùng với đó, phối hợp với các phòng ban chuyên môn như, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp để tập huấn khoa học, kỹ thuật về trồng trọt cũng như chăn nuôi.

Thông qua hỗ trợ về nguồn vốn, quỹ hỗ trợ cho hội viên nông dân mở rộng quy mô kinh doanh, sản xuất, đặc biệt là những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ký ủy thác cho trên 3.000 hội viên nông dân vay với số tiền gần 200 tỉ đồng để hội viên nông dân có vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Là một trong những hộ gia đình chuyển đổi mô hình chăn nuôi, cuối năm 2019, nhận thấy việc chăn nuôi gia súc theo phương thức thả rông truyền thống không mang lại hiệu quả nên gia đình chị Nguyễn Thị Thiết (thôn Đại Thanh, xã Noong Luống, huyện Điện Biên) đã đầu tư xây dựng chuồng, trại và tổ chức nuôi trâu, bò thịt, sinh sản theo hướng nuôi nhốt.

Để bảo đảm nguồn thức ăn cho trâu, bò vào các tháng mùa khô, hạn, gia đình chị Thiết đã tích trữ các phụ phẩm từ nông nghiệp như: thân cây ngô; cỏ voi để ủ chua, lên men, làm thức ăn cho đàn gia súc của gia đình.

Do được chăm sóc tốt và tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh nên đàn gia súc của gia đình chị Thiết phát triển tốt. Gần 3 năm qua, mỗi năm gia đình chị Thiết thu về trên 100 triệu đồng (sau khi trừ đi các khoản chi phí) nhờ mô hình chăn nuôi gia súc này.

Ngoài chị Thiết, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Điện Biên nói chung, xã Noong Luống nói riêng đã chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Từ các mô hình sản xuất, kinh doanh của mình, các hộ nông dân trên địa bàn huyện Điện Biên đã và đang trực tiếp tạo việc làm, hướng dẫn kỹ thuật theo hình thức “nông dân dạy nông dân”.

Ngoài ra, dẫn dắt các hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi, trồng trọt lạc hậu, kém hiệu quả sang phương thức chăn nuôi, trồng trọt tiến bộ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn