MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nông dân Đồng Tháp thoát nghèo, xây nhà mới

Tùng Linh LDO | 30/07/2024 11:24

Không còn đổ thừa vào số phận, nông dân Đồng Tháp đã thay đổi được tư duy để vươn lên thoát nghèo...

Quyết tâm trả sổ hộ nghèo

Từng ở trong ngôi nhà cây ọp ẹp, thuộc hộ nghèo thiếu trước hụt sau, nay gia đình anh Lâm Hồng Châu (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã có được mái ấm như mơ từ việc trồng cỏ nhung bằng nguồn vốn hỗ trợ của địa phương. Anh Châu cho biết, giá cỏ nhung dao động từ 14.000 - 18.000 đồng/m2 (tùy thời điểm), sau khi trừ chi phí, mỗi đợt thu hoạch mang lợi hơn chục triệu đồng.

"Gia đình tôi mừng lắm vì được hỗ trợ vay vốn làm ăn, càng mừng hơn nữa là được thoát nghèo, xây dựng nhà cửa. Có cuộc sống ổn định, bây giờ tôi đang hướng dẫn lại cho bà con học làm theo, định hướng nhân rộng thêm diện tích trồng trong thời gian tới" - anh Châu nói.

Khu vực trồng cỏ nhung của anh Hồng Châu. Ảnh: Phong Linh
Vợ chồng anh Châu chăm sóc cỏ nhung. Ảnh: Phong Linh

Thấy địa phương mở thêm đường, là điều kiện thuận lợi để kinh doanh, nông dân Lê Duy Minh (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) mạnh dạn đăng ký vay vốn đầu tư trồng hoa kiểng tại xã Tân Khánh Đông. Sau khoảng thời gian ổn định kinh tế và cất lại nhà khang trang, anh Minh chủ động mang trả sổ hộ nghèo, nhường sự hỗ trợ cho những gia đình khác.

"Đối với tôi, muốn thoát nghèo là phải tự nguyện, phải tự mình có ý chí vượt lên, bởi không thể ôm sổ hộ nghèo hoài được! Giờ thoát nghèo, tôi cũng dạy các con phải nỗ lực học tập và nghiên cứu làm giàu trên chính quê hương mình" - anh Minh nêu quan điểm.

Được biết, đối với số lượng lớn hoa kiểng, những dịp Tết, gia đình anh Minh thường thuê thêm lao động làm thời vụ, tạo được việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Anh Duy Minh chăm sóc hoa kiểng. Ảnh: Phong Linh.
Căn nhà khang trang của gia đình anh Duy Minh. Ảnh: Phong Linh.

Bà Võ Thị Hồng Nhạn - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Khánh Đông thông tin, những năm gần đây, trong công tác giảm nghèo, địa phương đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền người thật việc thật từ tổ hợp tác, hộ nông dân tiêu biểu.

Ông Thành Kiệt - Phó Trưởng phòng Lao động thương binh và xã hội TP Sa Đéc cho biết: "Địa phương đã có nhiều dự án, trong đó có dự án nhà nước hỗ trợ 70% số vốn và sau khi thực hiện 3 năm chỉ thu hồi 30%".

Làm mọi cách để thay đổi tư duy

Trao đổi nhanh với Lao Động, ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận, những năm qua, dù gặp rất nhiều khó khăn, song về xã hội, Đồng Tháp vẫn thực hiện rất tốt, điển hình là việc xây dựng nông thôn mới đã đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đề ra. Đặc biệt, đối với tỉ lệ hộ nghèo, đến cuối năm 2023 chỉ còn 1,52% (chỉ tiêu theo Nghị quyết là 3%) tương đương với 6.000 hộ.

“Tỉnh Đồng Tháp rất mừng vì bà con nhân dân đã thay đổi tư duy để cùng vươn lên, không còn tự hài lòng hay trông chờ, tâm lý đổ thừa cho số phận”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Phong Linh.

Hiện nay, đa số những hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là gia đình chính sách hoặc thiếu tư liệu sản xuất nên không thể tự thoát nghèo. Với đối tượng này, tỉnh đã thành lập hệ thống trường nghề, trung tâm giáo dục khắp tất cả các huyện nhằm đào tạo (không thu phí) và giới thiệu việc làm cho người lao động; hỗ trợ, tạo điều kiện đối với những người nghèo có ý tưởng vươn lên; giới thiệu việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp…

“Đặc biệt, chúng tôi cũng thực hiện tốt chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, bằng chứng là họ đi về và thay đổi rất lớn, tự mình vươn lên và quyết định được vận mệnh của mình, cũng vì thế mà cuộc sống của gia đình được tốt hơn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để người dân khởi nghiệp và sau khi thoát nghèo bền vững thì sẽ vươn lên làm giàu”, ông Nghĩa nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn