MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoạn đường bị sụt lún khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa vô cùng khó khăn. Ảnh: Nhật Hồ

Nông dân khó đủ đường nơi tâm điểm sụt lún, sạt lở đất ở Cà Mau

NHẬT HỒ LDO | 02/03/2024 06:00

Tàu, thuyền của thương lái không thể vào ruộng chở lúa đã thu hoạch vì kênh rạch khô cạn nước. Ngoài đồng hạt lúa chín vàng, người dân như “ngồi trên đống lửa” vì phải lo đủ thứ chi phí khi mang lúa đi tiêu thụ.

Kênh rạch kiệt nước, dân thiệt đủ đường

Chỉ tay về con kênh sâu hút, cạn nước, bà Đinh Thị Xuân (ngụ ấp Trùm Thuật B, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) cho hay, con kênh Cây Sộp cách đây chỉ vài tháng còn đầy ắp nước, ghe xuồng chạy tấp nập, nhất là đoạn đầu kênh tiếp giáp với đê biển Tây.

“Hồi còn nước ghe lúa chạy liên tục nên không khí nhộn nhịp, dòng kênh đầy sức sống. Nhưng hiện tại, con kênh này như dòng kênh chết, xuồng, ghe của người dân mắc cạn, nằm bất động tại chỗ”, bà Xuân thở dài.

Không chỉ kênh Cây Sộp mà rất nhiều tuyến kênh, rạch trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời bị khô nước, trơ đáy, giao thông thủy tê liệt. Năm nay, hạn đến sớm nên các kênh cạn nước nhanh hơn. Trên bờ, đường giao thông sụt lún khắp nơi, con số đang tăng lên từng ngày. Điều này khiến các trà lúa Đông - Xuân thu hoạch muộn của người dân trong vùng rất khó bán vì ghe của thương lái không thể vào tận nơi thu mua.

Gia đình ông Phạm Văn Hiên (61 tuổi, ở ấp 2, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) vừa cắt hơn 2ha lúa ST24 thu được 23 tấn, bán với giá 8.700 đồng/kg. Mức giá này giảm hơn 2.000 đồng so với trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và giảm gần 1.000 đồng so tuần trước. Vụ này gia đình ông chỉ lãi khoảng 40 triệu đồng, giảm khoảng 20 triệu đồng do vận chuyển khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Rít (63 tuổi) cho biết thêm, không chỉ giá lúa giảm do không có đường vận chuyển, mà việc thu hoạch cũng gặp khó khi máy cắt không vào ruộng được. Theo kế hoạch, diện tích lúa của gia đình được cắt cách đây 6 ngày, nhưng do kênh cạn nước nên chủ phải cho phương tiện đi đường vòng.

“Lúa chín lâu ngày khiến mỗi công sau thu hoạch mất vài trăm ký”, bà Rít nói.

Khô hạn nhiều đoạn kênh ở Cà Mau, tàu thuyền không thể lưu thông khiến việc vận chuyển hàng hóa vô cùng khó khăn. Ảnh: Nhật Hồ

Lúa thu hoạch phải chở bằng xe máy

Anh Lê Minh Nghiệp (22 tuổi) cho biết, thông thường, vào mùa khô khi con kênh cạn nước tàu thuyền không vào tận nơi thu mua được cũng là lúc nghề chở lúa thuê bằng xe máy ăn nên làm ra. Thu nhập, bình quân khoảng hơn 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/người/ngày.

Anh Nghiệp cho hay, đội “shipper lúa” - chở lúa bằng xe máy có khoảng 11 người (2 người cân, 9 người chạy xe). Đa phần là dân địa phương, tập hợp chung một đội để lãnh công làm theo mối thu mua của thương lái.

“Chúng tôi phân công mỗi người mỗi việc, người thì đem lên cân, người có xe máy thì chuyên chạy chở lúa. Anh em làm có ít ăn ít, nhiều ăn nhiều. Mấy người chạy xe máy thì nhỉnh tiền hơn người cân lúa do phải lo tiền xăng, sửa xe, thay nhớt. Đường nào dễ chạy tôi chở mỗi chuyến 3 bao, còn đường ổ gà, sụt lún chở mỗi chuyến 2 bao hoặc 1 bao”, anh Nghiệp nói.

Anh Nguyễn Chung Tình (28 tuổi) cho biết thêm, công việc chở lúa bắt đầu sớm nhất khoảng 7h sáng, nhưng thông thường khoảng 9h và kết thúc vào đêm khuya hoặc sáng sớm hôm sau. Mỗi ngày làm mười mấy tiếng, anh kiếm được khoảng 800.000 đồng. Tiền công của mỗi đội chuyển lúa được tính theo tấn, tùy theo quãng đường xa hay gần.

“Từ đầu mùa vụ tới nay, chúng tôi chạy xa nhất quảng đường đi về khoảng 14km, với chi phí khoảng 500.000 đồng/tấn. Lúc đầu, tôi chạy chưa quen nên cũng chuẩn bị dây buộc bao lúa cho chắc chắn, sau này khi quen dần nên bỏ dây cho nhanh. Chạy nhiều khi chở qua cầu cũng đổ ngã, nhưng cũng phải cố gắng làm để kiếm thêm thu nhập”, anh Tình chia sẻ.

Toàn huyện Trần Văn Thời có khoảng 14.000ha lúa chưa thu hoạch, trong khi các kênh, rạch đều cạn nước, trong khi đường bộ cũng nhiều vị trí bị sạt lở, chia cắt. Điều này dẫn tới khó khăn trong quá trình vận chuyển lúa sau thu hoạch, nên giá lúa vùng khó vận chuyển giá thu mua thấp hơn các khu vực khác.

Theo ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau - cho rằng, khoảng 3 đến 4 năm Cà Mau sẽ có 1 mùa hạn hán, mức độ ngày một khốc liệt hơn. Thực tế cho thấy, vùng ngọt hóa đã chịu nhiều thiệt hại vào các mùa hạn 2015-2016, 2019-2020; và mùa hạn năm nay, dù bước vào cao điểm khô hạn chưa lâu nhưng đã cho thấy diễn biến khó lường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn