MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cống Vàm Răng trên địa bàn huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Ảnh: PV

Nông dân Kiên Giang không còn nỗi lo vì “lúa mặn”

NGUYÊN ANH LDO | 12/03/2022 15:14
Kiên Giang - Trước tình hình mặn xâm nhập sớm, mùa khô 2021 - 2022 tỉnh Kiên Giang đã chủ động có kế hoạch ứng phó nên đã bảo vệ được diện tích lúa gieo sạ của bà con nông dân.

Rút kinh nghiệm từ thiệt hại

Theo nhận định của viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mùa khô 2021 - 2022 mặn xâm nhập sớm hơn trung bình nhiều năm nhưng mức độ xâm nhập sẽ không gay gắt như năm 2019 - 2020. Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại ở các năm trước, Kiên Giang đã nắm bắt tình hình ngay đầu mùa khô và có những biện pháp hữu hiệu “chặn mặn” cho nông dân an tâm sản xuất.

Việc vận hành có hiệu quả hệ thống cống trên tuyến đê biển Hòn Đất - Kiên Lương, Giang Thành, Thành phố Rạch Giá và ven sông Cái Bé (Châu Thành), vùng U Minh Thượng, dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No để ngăn mặn, giữ ngọt đã giúp đảm bảo phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân 2021 - 2022.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, thời gian qua trung ương và tỉnh đầu tư đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng giúp kiểm soát mặn hiệu quả đảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân như hệ thống cống Cái Lớn -  Cái Bé, cống Sông Kiên, hồ chứa nước ngọt và hệ thống cấp nước liên xã trên địa bàn huyện An Minh... Đến nay tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại về sản xuất, nguồn nước được đảm bảo, không xảy ra tình trạng thiếu nước như các năm trước.

Nông dân ở huyện trồng lúa lớn nhất tỉnh thở phào

Huyện Hòn Đất là địa phương có diện tích sản xuất lúa nhất của tỉnh Kiên Giang với gần 80.000ha. Là vùng có nguy cơ ảnh hưởng mặn đối với các diện tích sản xuất lúa ở khu vực ven biển, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã tiến hành các biện pháp ứng phó kịp thời.

Tính đến nay, Hòn Đất chưa ghi nhận thiệt hại về sản xuất do hạn mặn gây ra. Ông Lê Văn Giàu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất - cho biết trước nhận định tình hình hạn mặn sẽ còn gay gắt kéo dài, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp Ủy ban nhân dân các xã thị trấn tăng cường thông tin tình hình hạn mặn, cập nhật thường xuyên diễn biến nguồn nước, lịch đóng mở các cống để bà con chủ động trong việc bơm nước phục vụ sản xuất.

“Đặc biệt, hiện nay một số cống ngăn mặn vẫn xảy ra tình trạng rò rỉ mặn, do đó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát và thông báo với Chi cục Thủy lợi để kịp thời khắc phục, tránh tình trạng nước mặn xâm nhập sâu ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân cần trang bị thiết bị đo độ mặn, kiểm tra nguồn nước trước khi bơm vào đồng ruộng”, ông Giàu thông tin.

Bên cánh đồng lúa đang phát triển rất tốt, ông Lê Văn Thái ngụ ấp Kinh Mới, xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất chia sẻ tới thời điểm này, 3ha lúa đông xuân 2021-2022 của gia đình ông đã hơn 70 ngày. Nhờ thực hiện tốt các hướng dẫn của ngành nông nghiệp, gieo sạ đúng lịch thời vụ, chủ động tự gia cố bờ bao, kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới vào đồng ruộng nên cánh đồng gia đình ông Thái phát triển rất tốt, chưa gặp vấn đề về thiếu nước tưới cho cây.

Cánh đồng lúa đang phát triển tốt của nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Thái Hưng, xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất. Ảnh: PV

Không chỉ riêng ông Thái mà nhiều nông dân khác trên địa bàn huyện Hòn Đất cũng phấn khởi, nhẹ gánh lo.

Theo những hộ dân nơi đây cho biết, những năm trước tình hình hạn, mặn xâm nhập nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu giải quyết nên bà con nông dân gặp thiệt hại khá nhiều. Riêng mùa khô năm nay, bà con vô cùng an tâm vì tỉnh và huyện đã triển khai nhiều cách làm giúp bà con bảo vệ được vụ lúa và đảm bảo nước sinh hoạt cho dân.

Không chủ quan

Hiện nay toàn tỉnh Kiên Giang đã gieo sạ xong vụ lúa đông xuân với diện tích trên 283.000ha. Các địa phương đã thu hoạch đạt hơn 10% diện tích gieo trồng. Đa số diện tích lúa còn lại vẫn còn 1 đến 2 đợt bơm lấy nước vào ruộng do đó vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất lúa ở những trà lúa sạ trễ. Riêng huyện Hòn Đất, tính đến thời điểm hiện tại đã thu hạch khoảng 30% diện tích, đối với khu vực nam lộ 80 lúa đang trong giai đoạn đòng trổ - chín. Do đó, tình hình hạn hán xâm nhập mặn kéo dài tới tháng 4 -2022 sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất lúa của bà con nông dân ở những trà lúa sạ trễ.

Theo ngành nông nghiệp khuyến cáo, các địa phương cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó với các tình huống mặn xâm nhập. Các địa phương phải cập nhật thường xuyên diễn biến nguồn nước, lịch đóng mở các cống để người dân chủ động trong việc bơm nước phục vụ sản xuất. Khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra nguồn nước, độ mặn trước khi bơm vào ruộng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn