MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an Đắk Nông làm việc với một chủ đại lý kinh doanh nông sản tuyên bố vỡ nợ. Ảnh: Công an cung cấp

Nông dân ký gửi nông sản coi chừng... hàng mất, nợ mang

Phan Tuấn LDO | 21/01/2024 18:26

Cứ sau mỗi vụ thu hoạch hồ tiêu, cà phê..., người nông dân ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông lại có thói quen mang hàng đi ký gửi các đại lý kinh doanh nông sản. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng đại lý tuyên bố vỡ nợ... đang khiến cho người nông dân đứng trước cảnh hàng mất, nợ mang.

Thói quen ký gửi nông sản của người nông dân

Cứ mỗi khi đến vụ thu hoạch hồ tiêu, cà phê..., người nông dân ở trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng lại có thói quen mang nông sản cả năm thu hoạch được đưa đi ký gửi ở các đại lý kinh doanh.

Lý giải về sự việc này anh Phạm Văn Hanh, một người dân ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông chia sẻ, phần lớn nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều có rẫy vườn sản xuất số lượng lớn cây công nghiệp cà phê, hồ tiêu.

Người nông dân không có kho bảo quản để tích trữ, bảo quản nên sau mỗi vụ thu hoạch, thường tìm đến các đại lý kinh doanh nông sản để ký gửi hàng hóa.

Tương tự, anh Nguyễn Đăng Thưởng, một người dân khác ở huyện Đắk R'lấp cho rằng, nông sản cà phê, hồ tiêu là tài sản quý giá nhất của người nông dân. Ngoài việc không có kho bảo quản, người dân cũng lo lắng bị mất trộm khi để ở trong vườn rẫy không có người canh gác, trông coi thường xuyên.

"Do đó, những người sản xuất nông nghiệp như chúng tôi thường có thói quen ký gửi đại lý thu mua nông sản chờ khi giá cả phù hợp sẽ chốt bán lấy tiền về trang trải công việc" - anh Thưởng cho hay.

Công an các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền người dân chủ động phòng chống các loại tội phạm. Ảnh: Công an cung cấp

Công an điều tra các vụ vỡ nợ do ký gửi nông sản

Mới đây, ngày 9.1.2024, hàng chục người dân ở xã Tân Thành, huyện Krông Nô đến cơ sở kinh doanh cà phê do bà T.T.M làm chủ để đòi nợ. Theo người dân, họ đang ký gửi một số lượng rất lớn cà phê tại cơ sở này.

Bà M - chủ đại lý kinh doanh cà phê - do không có khả năng thanh toán khoản nợ hơn 24 tỉ đồng nên đã tuyên bố phá sản. Trong đó, bà M đang nợ 16 hộ dân ký gửi 150 tấn cà phê nhân (trị giá khoảng 10 tỉ đồng). Ngoài ra, cơ sở kinh doanh của bà M còn nợ 2 đơn vị kinh doanh cà phê khác 14 tỉ đồng.

Gần hơn, ngày 13.1.2024, tại xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức có khoảng 100 người dân tập trung tại Công ty TNHH MTV Đức Hoàng, do ông P.V.S và bà T.T.L.H làm chủ, để gây áp lực và đòi nợ.

Những người kéo đến công ty này đã ký gửi cà phê, hồ tiêu với số lượng lớn. Tuy nhiên, công ty này đã tuyên bố phá sản, mất khả năng trả nợ khoảng 19 tỉ đồng.

Liên quan đến sự việc này, Đại tá Nguyễn Tường Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, công an các huyện Tuy Đức và Krông Nô đang tích cực điều tra, xác minh, làm rõ các vụ vỡ nợ do ký gửi nông sản vừa xảy ra trên địa bàn.

Ngay sau khi các vụ việc trên xảy ra, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo công an 2 huyện Krông Nô và Tuy Đức phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng ổn định tình hình.

Lực lượng công an yêu cầu người dân giữ bình tĩnh để giải quyết vụ việc. Công an tuyên truyền người dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật không để xảy ra các vụ việc về an ninh, trật tự.

Ngoài hai vụ việc trên, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng công an cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, đánh giá năng lực hoạt động của các đại lý, chủ cơ sở thu mua nông sản.

Từ đó, phát hiện kịp thời phát hiện các đại lý, cơ sở thu mua nông sản tiềm ẩn nguy cơ phá sản hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn