MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nông dân ở Sóc Trăng cam kết bán lúa cho doanh nghiệp dù có sự chênh lệch với giá thị trường. Ảnh: Phương Anh

Nông dân Sóc Trăng, Hậu Giang chịu thiệt để giữ chữ tín

ĐẠT PHAN LDO | 19/01/2024 08:32

Giá lúa tại ĐBSCL liên tiếp lập đỉnh khiến câu chuyện tranh mua, tranh bán và câu chuyện “bẻ kèo” các hợp đồng bao tiêu tại vựa lúa lớn nhất nước lại là chủ đề cho những cuộc tranh luận trái chiều. Nhiều ý kiến phê phán sự “bội tín” của nông dân, nhưng cũng không ít người nhắc lại những năm giá lúa bấp bênh, không ít doanh nghiệp sẵn sàng bỏ cọc khiến nông dân chỉ biết ngậm trái đắng.

Thật ra, câu chuyện “lật kèo” trong cái gọi là hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp với nhà nông không phải bây giờ mới có.

Còn nhớ, vụ Xuân Hè 2015, khi giá lúa rớt thảm, nhiều doanh nghiệp “bẻ kèo” khiến nông dân chỉ biết khóc ròng trong cảnh lúa thì chết, giá thì hạ. Đến mức Bộ NNPTNT phải ra “tối hậu thư” dọa cắt giảm chỉ tiêu nếu doanh nghiệp nào làm trái hợp đồng bao tiêu với nông dân. Để rồi không lâu sau đó, liên tiếp các vụ Đông Xuân 2017, 2018, khi giá lúa lên cao, đã có không ít trường hợp doanh nghiệp kêu trời vì khoảng 10% nông dân “bẻ kèo”, mặc dù đã có hợp đồng bao tiêu. Gần đây nhất, năm 2022, giá lúa thấp cộng thêm thời tiết bất lợi, nhiều nông dân thu hoạch xong mỏi mòn chờ vẫn không thấy doanh nghiệp đâu…

Tuy vậy, theo nhiều nông dân và cả doanh nghiệp, đó chỉ là mảng tối nhỏ, khi tình trạng lật lọng nhau diễn ra theo chiều nóng - lạnh của một thị trường nông sản và một mối liên kết vốn khá lỏng lẻo và thiếu ổn định.

Trở lại vụ Đông Xuân năm nay, trong vòng vây chào mời của thương lái đẩy giá lên, ghi nhận của PV Báo Lao Động cho thấy, nhiều nông dân ở Hậu Giang, Sóc Trăng thà tiếc nuối và chấp nhận chịu thiệt trước mắt để giữ chữ Tín chứ quyết không “bẻ kèo”. Cái sự tiếc nuối ấy là điểm sáng minh chứng cho một mối liên kết bền vững, lâu dài.

“Chúng tôi làm ăn với doanh nghiệp đã 4 năm nay, để duy trì mối liên kết này không phải dễ nên không vì lợi nhuận cao hơn đôi chút mà bẻ kèo”; “Mình đã nhận cọc từ trước nên giá có cao hơn cũng phải bán đúng với hợp đồng. Làm ăn phải giữ uy tín để còn tính chuyện đường dài” - trải lòng của nông dân Võ Văn Thành (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) và nông dân Trần Văn Phương (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) hay lời khẳng định: “Tình trạng bỏ cọc, bẻ kèo tại HTX chưa từng xảy ra” của ông Trương Văn Hùng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) - cho thấy, một khoản thiệt nhỏ nhưng sẽ giúp duy trì lợi lớn về sau là điều cần thiết cho mối liên kết này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn