MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cống âu thuyền Rạch Mọp đưa vào vận hành ngăn mặn vào cuối năm 2024, giúp kiểm soát nguồn nước cho 36.000ha trên địa bàn 2 tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang. Ảnh: Phương Anh

Nông dân Sóc Trăng tránh nôn nóng xuống giống vụ lúa Hè Thu 2024

PHƯƠNG ANH LDO | 25/04/2024 12:44

UBND tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo nông dân tránh xuống giống vụ lúa Hè Thu năm 2024 ở các vùng chưa có nước ngọt ổn định, chỉ tổ chức canh tác khi đã có mưa trên diện rộng hoặc ở vùng có nguồn nước đảm bảo cung cấp ổn định.

Trước diễn biến của thời tiết nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn và nguy cơ thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, UBND tỉnh Sóc Trăng vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Theo kế hoạch, các địa phương, đơn vị trong tỉnh cần chủ động ứng phó nhanh, kịp thời và tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; thực hiện tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu chuẩn bị tốt tinh thần và tư thế chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật chất, phương tiện để ứng phó khi nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Các địa phương cần xây dựng kế hoạch, kịch bản phù hợp với địa bàn quản lý, tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn vốn, đảm bảo hạnh chế thấp nhất thiệt hại về sản xuất và dân sinh.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đang xây dựng để đưa vào vận hành, khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vào mùa khô.

Tăng cường, khuyến cáo, hướng dẫn người dân tuân thủ khuyến nghị, cảnh báo của ngành trồng trọt không xuống giống vụ lúa Hè Thu năm 2024 ở các vùng chưa có nước ngọt ổn định, chỉ tổ chức canh tác khi đã có mưa trên diện rộng hoặc ở vùng có nguồn nước đảm bảo cung cấp ổn định.

Tuyên truyền, hướng dẫn và vận động người dân thực hiện các biện pháp trữ nước, xử lý nước trong trường hợp không có nước sạch và sử dụng nước sạch tiết kiệm, an toàn hiệu quả.

Rà soát các khu vực có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức các giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt, có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt, nhằm đảm bảo đủ cấp nước sinh hoạt trong thời kỳ xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn...

Nhiều diện tích lúa Đông Xuân muộn ở tỉnh Sóc Trăng bị ảnh hưởng do hạn, xâm nhập mặn. Ảnh: Phương Anh

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh cao điểm vào tháng 2 - 3, dự báo cuối tháng 5.2024, xâm nhập mặn giảm dần.

Tỉnh Sóc Trăng cũng đã làm tốt công tác phòng, chống xâm nhập mặn ngay từ đầu mùa khô nên sản xuất thắng lợi vụ Đông Xuân 2023-2024. Tuy nhiên, do giá lúa tăng cao, người dân ở các huyện Long Phú, Trần Đề (nơi thường xuyên ảnh hưởng hạn, mặn) vẫn tiếp tục sản xuất vụ Đông Xuân muộn vào cao điểm xâm nhập mặn nên nguy cơ rủi ro cao về thiếu nước, ngộ độc phèn.

Theo thống kê, Sóc Trăng có khoảng 6.000ha lúa Đông Xuân muộn nằm ngoài kế hoạch, trong đó ghi nhận có hơn 1.000ha lúa bị ảnh hưởng, 33ha thiệt hại trắng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn