MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá cây giống cà phê đang tăng cao tại địa bàn một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Bảo Trung

Nông dân Tây Nguyên lại chạy theo cơn sốt giá cà phê

Nhóm PV Tây Nguyên LDO | 06/06/2024 09:00

Hiện nay, thời tiết ở trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa và là thời điểm người nông dân xuống giống các loại cây trồng. Năm nay, do giá cà phê liên tục tăng cao có thời điểm vượt 140.000 đồng/kg. Thế nên, nông dân đang chạy theo cơn sốt loại cây trồng này.

Mở rộng diện tích cây cà phê

Bước vào niên vụ cà phê mới, gia đình anh Trần Văn Định, ở huyện Đắk Đoa quyết định mở rộng, xuống giống trồng thêm 1,5ha cà phê. Anh Định cho biết: "Cây cà phê ở đây ít bệnh, cho năng suất cao và nông dân đã có nhiều kinh nghiệm để phát triển. Hơn 1 năm qua, giá cà phê tăng cao gấp nhiều lần đã tiếp thêm động lực cho gia đình tôi mở rộng diện tích".

Tương tự, gia đình anh Phạm Văn Hanh, ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông cũng vừa xuống giống hơn 11.000 cây cà phê trên diện tích hơn 7ha. Theo anh Hanh, hơn 1 năm qua, giá cà phê tăng cao là cơ sở để anh phát triển loại cây trồng này. "Sở dĩ tôi chọn cây cà phê để xuống giống vì loại cây này dễ trồng, dễ chăm sóc và đặc biệt là đang có giá bán cao trên thị trường".

Mong chọn được giống cà phê chất lượng

Xã Hòa Thắng, ở thành phố Buôn Ma Thuột được xem là "thủ phủ" sản xuất cây giống cà phê ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Ghi nhận tại đây cho thấy, giá cây giống cà phê đã tăng cao hơn mọi năm.

Giống cây cà phê thực sinh (ươm hạt) có giá từ 8.000 - 15.000 đồng/cây; cây cà phê ghép có giá dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/cây... Mức giá này đã tăng cao gần gấp rưỡi so với thời điểm cách đây hơn 1 năm.

Chia sẻ về giống cây cà phê, một chủ đại lý ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột cho biết, thời điểm này, cà phê được giá nên người nông dân đã tiếp tục gia tăng vùng trồng. Do đó, nếu bà con nông dân muốn mua cây giống tốt, với số lượng lớn thì phải đặt hàng trước đại lý cây giống mới có nguồn để cung cấp. Về phía người bán hàng như chúng tôi dù có lợi nhuận ổn định nhưng không bán đại trà mà chọn lọc cây giống chất lượng để bảo đảm quyền lợi cho người dân và uy tín cho cửa hàng".

Anh Hà Văn Trọng, trú tại huyện Chư Prông có thâm niên gần 10 năm chăm sóc, thu hoạch cà phê. Theo anh Trọng, điều người nông dân như anh lo lắng lớn nhất là mua phải giống kém chất lượng, phẩm chất sinh trưởng kém. Nếu mua phải giống cây trồng kém chất lượng thì sau vài năm tốn công chăm sóc nhưng cây còi cọc, năng suất thấp... thì thiệt hại về kinh tế sẽ còn nặng nề hơn.

“Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng kiểm soát tốt các đại lý phân phối, sản xuất cây giống làm sao cho bảo đảm chất lượng, hạn chế được sâu bệnh hại, dễ dàng phát triển và cho năng suất cao trong điều kiện biến đổi khí hậu nghiêm trọng như hiện nay" - anh Trọng chia sẻ thêm.

Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên khuyến cáo người nông dân không nên nôn nóng tái canh nếu không tìm được nguồn cây giống có chất lượng. Bởi, nếu nông dân vội vàng, chọn phải những cây giống kém chất lượng, qua vài năm chăm sóc, tưới tiêu vất vả mới biết năng suất kém, lại phải thay thế bằng cây trồng khác thì tốn kém gấp bội phần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn