MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nông dân vào tổ công nghệ, chuyển đổi số đưa đặc sản Lạng Sơn "lên sàn"

Trần Tuấn LDO | 05/02/2022 08:25

Lạng Sơn - Gần 1.600 tổ công nghệ cộng đồng với các trưởng thôn, trưởng bản làm tổ trưởng đang từng ngày hướng dẫn bà con phát triển kinh tế số. Từ chỗ chưa có khái niệm về thương mại điện tử, nhiều người nông dân ở Lạng Sơn đã có doanh thu hàng trăm triệu đồng khi đưa đặc sản của quê hương “lên sàn”.

Đưa đặc sản quê hương "lên sàn"

Anh Lăng Văn Hưng, người dân tộc Nùng, vốn là một thợ xây ở thôn Bãi Hào, một ngôi làng heo hút thuộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. 6 tháng trước khi đang đi xây thì anh Hưng được trưởng thôn gọi về để tham dự một cuộc họp, hướng dẫn về phát triển kinh tế số, bán hàng trên sàn thương mại điện tử do Chi bộ thôn phối hợp cùng Viettel post Lạng Sơn tổ chức.

Dù có sự hướng dẫn thường xuyên và tỉ mỉ của tổ công nghệ cộng đồng của thôn, nhưng mọi thứ bắt đầu với anh Hưng không hề suôn sẻ. Với những đơn hàng bán xoài đầu tiên, người đàn ông 33 tuổi không biết duyệt đơn hay cách thức đóng thùng, vận chuyển ra sao.

Tổ công nghệ cộng đồng vào tận nhà để hướng dẫn người dân bán hàng qua cửa hàng số. Ảnh: PV. 
Nhóm zalo tổ công nghệ cộng đồng của thôn Bãi Hào. Ảnh: Hữu Chánh.

“Những bước nào mình không biết thì lại chụp ảnh gửi vào nhóm Zalo nhờ các anh ở tổ công nghệ cộng đồng của thôn hướng dẫn thêm. Có khi tối muộn, đêm hôm rồi các anh ấy vẫn trả lời bình thường, nhắn tin vẫn không hiểu thì gọi video, đến khi nào làm được thì mới thôi. Giờ làm thành thạo rồi thì cũng thấy nó đơn giản thôi”, anh Hưng chia sẻ.

Sau khi bán được những đơn hàng xoài đầu tiên, thời điểm tháng 9.2021, cũng là lúc những đồi na ở Chi Lăng vào vụ chín rộ, anh Hưng quyết tâm đưa đặc sản của quê hương “lên sàn”.

Nếu như trước đây, khi na vào vụ, những hộ trồng na ở Chi Lăng như anh Hưng chỉ có thể chở hàng ra chợ cách nhà gần 5km để bán cho thương lái, hoặc cho xe vận chuyển lên Hà Nội tiêu thụ thì giờ khách hàng của anh có người ở tận mũi Cà Mau hay TP.HCM. Không ít khách tâm sự, cả đời chưa từng được ăn quả na đặc sản Chi Lăng do nghĩ xa xôi quá thì nay sau khi đặt đơn không quá 48h đã có na ở trên tay.

 Đặc sản na Chi Lăng được đóng thùng, dán tem, nhãn khi tiêu thụ qua các cửa hàng số. Ảnh: Hữu Chánh.
Anh Hưng "khoe" hàng trăm đơn hàng na được bán qua cửa hàng số trong vụ na năm 2021. Ảnh: Hữu Chánh.

“Mình có na đẹp thì cứ chụp ảnh thực tế sản phẩm của mình chứ không dùng app ảnh đẹp để chụp, đến lúc người dùng nhận hàng về không được như thế thì mất uy tín. Mình cứ bán sản phẩm chất lượng thực tế cho người dùng, thấy na ngon, giá phải chăng thì sau người ta lại mua hàng của mình thôi”, anh Lăng Văn Hưng chia sẻ.

Trong vụ na 2021, gian hàng trên sàn thương mại điện tử Vỏ sò của anh Hưng đã bán được hàng trăm đơn hàng na với doanh thu là hơn 34 triệu đồng.

Cũng mở cửa hàng bán na trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò từ tháng 8.2021, trong vụ na năm vừa qua, anh Quách Dương Duy (thôn Chục Quan, xã Yên Vượng, Hữu Lũng, Lạng Sơn) cho biết, gia đình anh đã bán được hơn 5 tấn na qua “sàn”, doanh thu lên tới gần 200 triệu đồng.

Một cửa hàng số na đặc sản Chi Lăng. Ảnh: Hữu Chánh.
 Anh Duy tất bật đóng thùng na cho khách mua qua cửa hàng số. Ảnh: PV.

“Bán hàng như này rất là tiện. Na chỉ việc đi hái trên núi về, sau đó đóng, xếp vào thành hộp theo đơn hàng của khách rồi bên đơn vị vận chuyển họ sẽ có trách nhiệm mang hàng đi. Bán trên sàn cũng được giá, cao hơn bán cho thương lái từ 10.000 – 15.000/kg, quan trọng là xây được thương hiệu sản phẩm của riêng mình để khách hàng nhớ đến”, anh Duy cho biết.

Anh Duy, anh Hưng chỉ là hai trong hàng nghìn hộ dân đang được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của tỉnh Lạng Sơn. Tại địa phương này, hiện có có gần 1.600 công nghệ cộng đồng tại các thôn bản, do các trưởng thôn, bản làm tổ trưởng có nhiệm vụ hướng dẫn bà con nhân dân buôn bán qua các sàn thương mại điện tử.

Những thành công bước đầu của những người nông dân như anh Duy, anh Hưng đã truyền cảm hứng cho cộng đồng, thôn bản nơi họ sinh sống. Nhiều người dân đã mạnh dạn mở các gian hàng số, đưa nông sản của địa phương "lên sàn" trong bối cảnh tiêu thụ theo hình thức mua bán truyền thống đang gặp không ít khó khăn, rủi ro.

Tín hiệu tích cực từ Nghị quyết Chuyển đổi số

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Hồ Tiến Thiệu, chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc phát triển các tổ công nghệ cộng đồng hướng dẫn bà con phát triển kinh tế số, bán nông sản trên sàn thương mại điện tử nằm trong kế hoạch đưa Nghị quyết về Chuyển đổi số của Tỉnh uỷ Lạng Sơn vào thực tiễn.

Theo đó, trong Nghị quyết về Chuyển đổi số được Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành năm 2021, tỉnh này đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ lọt top 10 tỉnh thành dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, trong đó kinh tế số sẽ chiếm 20% GRDP của tỉnh.

“Từ khi đưa Nghị quyết vào thực tiễn đến nay đã có một số tín hiệu tích cực. Nhiều trường hợp người dân trước đó chưa có khái niệm về bán hàng, kinh doanh online nhưng đến nay đã có doanh thu lên đến hàng trăm triệu đồng từ việc bán nông sản trên các cửa hàng số”, chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nói.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn trao đổi với PV Lao Động. Ảnh: Hữu Chánh.

Tuy vậy, theo ông Hồ Tiến Thiệu, do địa phương có nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên gặp những khó khăn nhất định trong việc triển khai Chuyển đổi số, đặc biệt trong địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Hiện, không phải tất người dân đều đã thành thạo các thao tác trên các cửa hàng số.

“Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục chỉ đạo kiện toàn, tập huấn, hướng dẫn cho các tổ công nghệ cộng đồng làm sao để càng ngày càng nhiều người dân được hưởng lợi từ việc phát triển kinh tế số ở địa phương, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao cuộc sống người dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định.

This browser does not support the video element.

Gần 1600 tổ công nghệ cộng đồng giúp dân phát triển kinh tế số ở Lạng Sơn.

Đạt hơn 21.000 đơn hàng qua cửa hàng số

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện, Lạng Sơn đang phát triển các cửa hàng số cho hộ gia đình trên 2 sàn thương mại điện tử là Vỏ sò (của Viettel post) và Postmart (của Vnpost). Sau 5 tháng triển khai (từ cuối tháng 7.2021 đến đầu tháng 12.2021), số đơn hàng trên các cửa hàng số đạt 21.395 đơn, tăng 181 lần so với thời điểm phát động.

"Việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử góp phần mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Lạng Sơn ra ngoài tỉnh và các nước trên thế giới, giúp các hộ nông dân gia tăng thu nhập, bớt sự nhọc nhằn, rủi ro khi được mùa mất giá, được giá thì mất mùa...", Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn