MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nông sản huyện Mê Linh tắc đầu ra do dịch COVID-19

Giang Đông LDO | 24/02/2021 13:14
Khoảng 300 tấn củ cải, 100 tấn cà chua cùng nhiều loại nông sản khác tại huyện Mê Linh (Hà Nội) không tìm được đầu ra do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khiến cuộc sống của nông dân địa phương này gặp khó khăn.

This browser does not support the video element.

Nông sản Mê Linh tắc đầu ra

Ngày 24.2, trao đổi với Lao Động, ông Đàm Văn Đua - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh) cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn tới việc hàng nông sản bị ảnh hưởng tương đối nhiều.

ông Đàm Văn Đua trao đổi với PV Lao Động.

Trong đó, có tới 300 tấn củ cải, 100 tấn cà chua không tìm được đầu ra, việc cung cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồng thời dịch bệnh cũng khiến nhiều nhà hàng, bếp ăn, trường học dừng hoạt động hoặc giãn cách xã hội dẫn tới nông sản bị ứ đọng. Với tinh thần mong muốn ủng hộ người dân, Hợp tác xã đã thực hiện việc tìm đầu ra, điểm bán cho nông sản đến tay người tiêu dùng.

Theo ông Đua, sáng nay, Hợp tác xã đã mang tới phố Hoàng Cầu (phường Trung Liệt) khoảng 4 tấn nông sản. Ngoài điểm tại Hoàng Cầu, đơn vị cũng nhận được sự hỗ trợ và mang tới phố Mai Dịch để hỗ trợ đầu ra cho nông dân.

Ông Đua cũng cho hay, trước đây khi dịch bệnh được kiểm soát, cơ bản hàng hóa của địa phương có đầu ra ổn định, giá cả được đảm bảo. Có nhiều đầu mối thu mua như siêu thị, trường học, nhà hàng, bếp ăn công nghiệp… nên việc sản xuất và buôn bán của người dân khá thuận lợi.

Nông sản được vận chuyển từ huyện Mê Linh về trung tâm Hà Nội chờ “giải cứu“.

“Bên cạnh việc nông sản chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, câu chuyện “được mùa mất giá” cũng thường xuyên xuất hiện. Nguyên nhân cốt lõi khiến giá nông sản bấp bênh có liên quan rất lớn đến hình thức tổ chức sản xuất. Thực tế, đối với các chuỗi liên kết hiện nay, dù giá cả có giảm ít nhiều do ảnh hưởng của dịch, tuy nhiên nông sản vẫn tiêu thụ được. Trong khi đó, nông sản tự cung – tự cấp, không qua liên kết có thể gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra” – ông Đua thông tin.

Do đó, ông Đua cũng mong muốn có nhiều hơn nữa liên kết chuỗi mang lại lợi ích thiết thực cho các tác nhân tham gia gồm nông dân, hợp tác xã, nhà phân phối, người tiêu dùng để phát triển ngành nông nghiệp của Hà Nội.

Dân Thủ đô tích cực giải cứu nông sản

Sáng cùng ngày, những chiếc xe chở nông sản Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) nối đuôi nhau vào tới phố Hoàng Cầu (phường Trung Liệt, quận Đống Đa) để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Những loại rau, củ, quả đã được đóng vào từng túi để thuận tiện tới tay người tiêu dùng.

Trong đó, mức giá của một số loại nông sản cụ thể được bán tại địa điểm trên là: Củ cải 25.000 đồng/10kg; Cà chua 20.000 đồng/5kg; Su hào 20.000 đồng/10 củ; Hành lá 10.000 đồng/1kg…

Người dân Hà Nội tích cực giải cứu nông sản huyện Mê Linh.

Việc bốc dỡ vận chuyển nông sản cũng được thực hiện nhanh gọn, đảm bảo quy định giãn cách. Ngay khi các túi nông sản được xếp xuống, nhiều người dân đã chung tay mua ủng hộ nông dân huyện Mê Linh.

Đại diện Trạm Y tế phường Trung Liệt cho biết, những người chở nông sản, bán hàng đến đây đều được kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu rửa tay sát khuẩn và kê khai y tế chi tiết, đảm bảo quy định phòng chống dịch COVID-19. Sau khi thực hiện xong quy trình kiểm tra, Trạm Y tế của phường sẽ bàn giao cho đơn vị Y tế khác tại điểm bán nông sản này để nhắc nhở người dân khi đến mua nông sản thực hiện đúng quy định giãn cách, đeo khẩu trang...

Người già, thanh niên Thủ đô tích cực hỗ trợ nông dân huyện Mê Linh.

Để công tác tạo điều kiện để tổ chức hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân được diễn ra an toàn cho công tác phòng chống dịch, bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Liệt đã trực tiếp có mặt. Bà Tuyết yêu cầu các đơn vị cần tuân thủ việc giãn cách, đeo khẩu trang khi bán hàng.

Là người đầu tiên đến đây mua hàng, chị Trương Thị Phương (ngõ 82 Yên Lãng, Đống Đa) cho biết, qua theo dõi mạng xã hội, chị đã biết đến điểm hỗ trợ nông dân huyện Mê Linh tiêu thụ nông sản.

“Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc gỡ khó cho nông dân được nhiều người dân Thủ đô quan tâm. Giá của các loại nông sản cũng rẻ hơn nhiều so với khi mua ở chợ hoặc siêu thị mà vẫn đảm bảo an toàn” – chị Phương chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn