MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nguyễn Thị Diệu Linh tại hiện trường tìm kiếm bom mìn ở xã Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hàn Nguyên.

Nữ thủ lĩnh đội rà phá bom mìn

HƯNG THƠ LDO | 08/03/2023 09:13

Người truyền động lực để thành lập các đội rà phá bom mìn nữ ở tỉnh Quảng Trị là chị Nguyễn Thị Diệu Linh. 40 tuổi, chị Linh có 14 năm gắn bó với công tác khắc phục hậu quả bom mìn, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị (Tổ chức Quỹ Viện trợ nhân dân Na Uy).

Sau chiến tranh, tỉnh Quảng Trị còn sót lại nhiều bom mìn. Thống kê cho thấy, có tới 81,36% diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn. Để làm sạch đất, tránh tai nạn xảy ra, hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo do các tổ chức quốc tế tài trợ đã được triển khai nhiều năm ở địa phương này.

Rà phá, xử lý các loại bom mìn là công việc cực kỳ nguy hiểm. Quá trình triển khai đã xảy ra tai nạn dẫn đến thiệt mạng, nhưng hằng ngày, các đội rà phá bom mìn nhân đạo ở Quảng Trị vẫn tìm đến các diện tích đất ô nhiễm để xử lý.

Tính chất công việc nặng nhọc, nguy hiểm, nhưng có đến 30% phụ nữ là nhân sự trên lĩnh vực rà phá bom mìn nhân đạo tại Quảng Trị. Trong đó, Nguyễn Thị Diệu Linh - Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị được xem là “thủ lĩnh” của các đội rà phá bom mìn nữ.

Bắt đầu một ngày rà phá bom mìn ở vườn cao su tại thôn Hải An (xã Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), các thành viên của Đội rà phá bom mìn nữ BAC2 (Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị) chia ra từng tốp để kiểm tra từng diện tích đất. Khi máy dò phát hiện có kim loại dưới lớp đất, các chị sẽ khoanh vùng, đánh dấu, nhẹ nhàng đào lớp đất để kiểm tra. Nếu phát hiện vật liệu nổ, sẽ chờ lệnh xử lý.

Nguyễn Thị Diệu Linh (trái ảnh) trao đổi với thành viên đội rà phá bom mìn nữ về hiện trường tìm kiếm bom mìn. Ảnh: Hàn Nguyên.

Có mặt ở hiện trường rà phá bom mìn, Diệu Linh yêu cầu Đội trưởng Đội rà phá bom mìn nữ BAC2 báo cáo, phân tích tình hình. Sau khi kiểm tra trực tiếp, thống nhất phương án, thì việc xử lý vật liệu nổ tìm được mới triển khai. Tùy theo tính chất nguy hiểm của loại vật liệu nổ tìm được, sẽ quyết định việc hủy nổ ngay tại chỗ, hay đưa về bãi hủy nổ tập trung.

Vốn được đào tạo ngành ngoại ngữ, không hiểu biết về bom mìn, nhưng sinh ra ở xã Ba Lòng (Đakrông, Quảng Trị), lớn lên ở Ái Tử (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) – nơi có tỉ lệ ô nhiễm bom mìn cao, nên Diệu Linh xin làm phiên dịch kiêm cán bộ hoạt động của Dự án Renew (Dự án Phục hồi môi trường và Khắc phục hậu quả chiến tranh).

Thấy công việc của mình thiết thực, góp phần xóa đi vết tích chiến tranh, nên Diệu Linh nỗ lực học hỏi, trau dồi thêm kiến thức để luôn hoàn thành tốt công việc. Đến năm 2015, chị được cử làm Quản lý hoạt động chương trình NPA và đến năm 2020 được giao Quản lý chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị cho đến nay.

Hiểu rõ việc rà phá bom mìn nặng nhọc, nguy hiểm, nhưng Diệu Linh lại lên ý tưởng thành lập các đội rà phá bom mìn nữ. Ban đầu, ý tưởng này không nhận được nhiều đồng thuận. Nhưng khi được thành lập, dù sức khỏe không bằng các đội rà phá bom mìn nam, nhưng đổi lại, các thành viên nữ lại tỉ mỉ, cẩn thận, nên quá trình làm việc rất hiệu quả. Chính vì vậy, các tổ chức, dự án phi chính phủ khác học tập, nhân rộng đội rà phá bom mìn là nữ.

Hiện tại, Diệu Linh quản lý 300 nhân viên làm nhiệm vụ khảo sát, rà phá, xử lý bom mìn lưu động.

Năm 2021, Nguyễn Thị Diệu Linh được Bộ Ngoại giao Việt Nam mời báo cáo trong phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp quốc về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn