MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến sĩ Hoàng Thị Huệ đang công tác tại Trung tâm Tài nguyên thực vật. Ảnh: NVCC.

Nữ tiến sĩ dành 10 năm “ăn, ngủ” cùng lúa

LƯƠNG HẠNH LDO | 19/04/2021 11:19
Từ niềm say mê với việc nghiên cứu lúa gạo, khát vọng lớn lao với việc phát triển các giống lúa của Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Thị Huệ (SN 1977) đã dành gần nửa cuộc đời để nghiên cứu nông nghiệp và 10 năm để phát triển thành công giống lúa Khẩu cẩm xẳng tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Tình yêu lớn lao với lúa gạo

Sinh ra và lớn lên tại một vùng ngoại ô của Hà Nội, tuổi thơ của chị Huệ gắn liền với đồng ruộng. Kỷ niệm những tháng ngày tuốt đòng đòng vừa ăn vừa chơi cùng chúng bạn hằn sâu trong ký ức của chị. Đặc biệt, mùi hương lúa "thì con gái" khiến cho thiếu nữ năm ấy không thể nào quên.

Hương lúa "thì con gái" là mùi hương suốt cuộc đời chị Huệ không quên. Ảnh: NVCC.

Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở Đại học Quensland (Australia) về nước năm 2000, chị Huệ về công tác tại Trung tâm Tài nguyên thực vật. Đây còn gọi là Ngân hàng gen cây trồng quốc gia, nơi bảo tồn, lưu giữ các cây trồng nông nghiệp phục vụ mục tiêu lương thực và nông nghiệp.

Khi được hỏi về lý do chọn giống lúa Bát (Bạt Ngoạt) của Hà Tĩnh, Khẩu cẩm xẳng, Khẩu cẩm ngâu của Nghệ An làm đề tài nghiên cứu, chị Huệ cho biết không chỉ vì tình yêu được nuôi dưỡng từ thời thơ ấu mà còn do trong quá trình công tác, chị nhận ra nhiều thứ sâu xa hơn.

Bà con thôn bản hết sức vui mừng khi được nữ tiến sĩ trẻ tới làm việc. Ảnh: NVCC.

“Khi về công tác ở Ngân hàng gen cây trồng quốc gia, tôi thấy thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam rất nhiều giống lúa khác nhau, cực kỳ đa dạng về màu sắc, chủng loại (gạo trắng, gạo nâu, gạo tím, gạo đỏ), hình thái (hạt lúa tròn, dài, đầu bông lúa có râu, không có râu…), đây cũng là nguyên nhân tôi muốn tò mò nghiên cứu kỹ hơn về cây lúa”, chị Huệ tâm sự.

Theo nữ tiến sĩ, trong một chuyến điều tra ở Nghệ An, chị phát hiện giống lúa tím Khẩu cẩm xẳng, nguồn gốc của người dân tộc Thái Con Cuông. Giống lúa này được trồng rất lâu đời ở địa phương và sử dụng trong bữa ăn hàng ngày.

Không chỉ nghiên cứu mà với các hoạt động khác tại đây, chị Huệ đều nhiệt tình tham gia cùng bà con. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, trong dịp lễ hội hay ngày tết tại địa phương, không thể thiếu sản phẩm bánh chưng hay rượu nếp cẩm. Đối với người dân tộc Thái (Con Cuông), sản phẩm từ gạo nếp này còn có ý nghĩa tâm linh, ngày tết phải có ít nhất một sản phẩm như rượu nếp cẩm hay bánh chưng nếp cẩm thì cả năm mới sung túc, đầy đủ và may mắn.

Thế nhưng, trong những năm gần đây, khi đời sống người dân tăng cao, nhu cầu ăn gạo ngon tăng lên, trong đó có nhóm gạo màu hay gạo dinh dưỡng được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn so với trước kia chỉ tập trung làm sao tăng năng suất mà không quan tâm nhiều đến chất lượng. Vậy là, chị Huệ nảy sinh khát khao muốn phục tráng (cải thiện) loại giống lúa này.

10 năm “ăn ngủ” với lúa

Chị Huệ nói, làm nghiên cứu nông nghiệp đã vất vả, đi miền núi còn vất vả hơn bởi mỗi chuyến công tác hàng nghìn cây số. Ngoài ra, huyện Con Cuông vẫn chưa có nhiều hoạt động thương mại, du lịch với bên ngoài nên ở các bản, bà con nói tiếng Kinh còn không sõi, đi làm đều phải có phiên dịch địa phương.

10 năm "ăn, ngủ" cùng lúa là 10 năm nghĩa tình của chị Huệ và bà con dân tộc thiểu số tại vùng đất nghèo tỉnh Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Chị Huệ tâm sự: “Vất vả nhất là bà con với tư duy đơn giản, nhiều khi tự phát, không làm theo hướng dẫn khoa học, ví dụ cấy thí nghiệm là cấy 1 dảnh nhưng bà con lo chết nên cứ cấy 2-3 dảnh cho chắc. Bà con không hiểu cấy 1 dảnh vừa tiết kiệm giống, cây lại phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn”.

Hơn chục năm gắn với đất Con Cuông, kỷ niệm gắn với chị Huệ nhiều vô số, nhưng khó quên nhất đối với chị là nụ cười của bà con, thôn bản chào đón mỗi khi đoàn đến. Người dân nơi đây còn gọi chị với cái tên thân thương là “O Huệ lúa cẩm”. 10 năm “ăn, ngủ” cùng lúa là 10 năm nghĩa tình của vị nữ tiến sĩ này với bà con dân tộc thiểu số vùng đất nghèo của tỉnh Nghệ An.

Tiến sĩ Hoàng Thị Huệ là Chiến sĩ thi đua cơ sở trong nhiều năm liền. Năm 2015, nhận bằng của Bộ trưởng Bộ NNPTNT. Năm 2016, nhận bằng khen của BCH Công đoàn NNPTNT. Tiến sĩ Hoàng Thị Huệ là tác giả chính của giống cỏ ngọt dược liệu mới ST77; đã và đang chủ nhiệm 2 đề tài cấp Nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn