MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Hoàng Thị Sửu - người vượt lên mọi khó khăn để theo đuổi nghề đóng tàu. Ảnh: Đức Tuấn

Nữ tướng của xưởng đóng tàu

PHI LONG - ĐỨC TUẤN LDO | 08/03/2023 08:10

Tại làng biển Hà Trung (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), có một xưởng đóng tàu đặc biệt do một người phụ nữ làm chủ, nỗ lực vươn lên để thành công trong cuộc sống.

“Đóa hồng” vươn lên từ khó khăn

Chị Hoàng Thị Sửu (SN 1974), lớn lên trong gia đình theo nghề biển lâu đời, hình ảnh những con tàu hàng ngày chạy qua khúc sông trước nhà để vươn đến những vùng biển xa đã là ký ức không thể phai nhòa trong tâm trí của chị.

Trước đây, Quảng Bình còn khó khăn, cả tỉnh chỉ có một, hai nơi sửa chữa tàu thuyền nên mỗi lần bố chị đưa tàu đi sửa là mất rất nhiều thời gian, có khi ông phải đưa tàu vào tận Đà Nẵng cách nhà hàng trăm km để sửa nên lỡ mất những chuyến đi biển. Thương bố và các bạn thuyền, chị Sửu đã nung nấu ý định sẽ mở một xưởng sửa chữa và đóng tàu ngay trên vùng đất nơi mình sinh ra.

Lấy chồng, sinh con, sau đó chị Sửu đã có 7 năm đi xuất khẩu lao động ở Đức. Bù đắp cho con vì những ngày tháng bôn ba trời Tây, chị Sửu quyết định ở lại quê nhà lập nghiệp.

Thế rồi, ước mơ ngày nào lại hiện về, với ý tưởng đã nung nấu từ lâu. Năm 2011, chị Hoàng Thị Sửu dồn hết vốn liếng tích cóp được để mở xưởng đóng, sửa tàu thuyền ngay trên phần đất thuê lại của người chị gái. 

Nhưng khởi đầu nào cũng đầy khó khăn, thách thức, đặc biệt là với một nghề vốn chẳng dành cho phụ nữ như chị. Xưởng đóng tàu phải đầu tư vốn lớn, trong khi khách hàng lại rất dè dặt khi chủ xưởng là phụ nữ. 

Hiện tại, chị Sửu đang là thủ lĩnh của hơn 30 người đều là đàn ông làm việc tại xưởng. Ảnh: Đức Tuấn

Dù xưởng có đầy đủ máy móc, phương tiện và thợ lành nghề, tuy nhiên chị vẫn thường gặp phải trắc trở kỹ thuật, người dân cũng không ủng hộ vì sợ gặp phải vận xui.

Nhận thấy phải thay đổi, chị quyết định khăn gói lên đường vào Bình Định, Phú Yên tầm sư học đạo nghề đóng tàu cá. Tốn nhiều thời gian và công sức, ngày trở về, chị Sửu cuối cùng đã có được những “trái ngọt” đầu tiên.

Để rồi đến nay, xưởng đóng tàu của chị Sửu đã trở thành một trong những cơ sở uy tín, với quy mô có thể đóng được những con tàu gần 50 tấn.

Chân thành dẫn đến thành công

Những khó khăn không cản được bước tiến của người phụ nữ rắn rỏi, chân chất này. Hơn 10 năm làm chủ xưởng đóng tàu, chị Sửu hiểu rằng, chỉ có sự uy tín, chân thành mới thu phục được lòng người.

Cải tạo xong xưởng, chị Hoàng Thị Sửu đãi ngộ người lao động thông qua việc trả lương cao, có chế độ thưởng để thu hút những người thợ giỏi về làm việc. 

Là “nữ tướng” của hơn 30 gã đàn ông, gồm thợ cơ khí, thợ mộc, thợ máy… chị Sửu luôn được lòng những công nhân của mình bởi sự gần gũi, nhẹ nhàng, khôn khéo và chân thành của mình.

"Đàn ông tính tình rất hay cộc cằn, nhất là khi đang làm việc hoặc không làm theo ý họ. Tất nhiên là lâu lâu tôi với họ cũng cãi vã chứ. Nhưng dù thế nào mình cũng là phụ nữ. Phẩm hạnh của người phụ nữ vẫn là nhường nhịn. Lúc đó tôi nhịn để hôm sau mới nói lý lẽ" - chị Sửu nói.

Không chỉ đối đãi tốt với thợ của mình, các khách hàng khi đến với xưởng của chị Sửu, chị hậu đãi họ khi bỏ tiền ra thuê chỗ ở, phục vụ cơm nước cho các gia đình những lần đến thăm chiếc tàu đang đóng mới tại xưởng. Khách hàng không chỉ là người quen mà còn có những ngư dân trước đây vốn dè dặt với xưởng của chị Sửu, không chỉ ở xã biển Bảo Ninh mà còn nhiều nơi khác trong tỉnh Quảng Bình.

Họ đến đây không chỉ được đáp ứng các yêu cầu khắt khe khi đóng mới chiếc tàu cá quanh năm lênh đênh trên biển cả mà còn bởi chị Sửu được xem là người “mát tay” mang đến sự may mắn trên hành trình vươn khơi của chiếc tàu.

Chị Sửu luôn có mặt tại xưởng đóng tàu để thúc giục, động viên mọi người. Ảnh: Đức Tuấn

Kể về những thành công đầu tiên của xưởng, chị Sửu cho hay, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên đóng theo Nghị định 67 ở Quảng Bình hạ thuỷ năm 2015 là đóng tại xưởng đóng tàu của mình.

“Ngày đầu khi họp bàn với xã và các ngân hàng, họ thấy tôi là nữ, họ không tin tôi đóng được những chiếc tàu lớn như thế. Nhưng tôi quyết tâm lắm, lãnh đạo các ngân hàng cùng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ ngành nông nghiệp, ngư dân xuống khảo sát xưởng, họ ngạc nhiên trước quy mô của xưởng tôi” - chị tâm sự. 

Thế là năm đó chị có ngay hợp đồng đầu tiên, ngày hạ thuỷ con tàu vỏ gỗ đầu tiên theo Nghị định 67, chị cũng nhận tiếp luôn 2 con tàu khác với mỗi chiếc trị giá 15 tỉ đồng.

Đến nay, mỗi năm xưởng của chị Sửu tiếp nhận đóng mới và sửa chữa hàng trăm con tàu, công suất lớn bé khác nhau. Dù nhiều thăng trầm, nhưng niềm đam mê dành cho nghề của chị vẫn luôn vẹn nguyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn