MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hải quân Việt Nam hỗ trợ nước ngọt cho người dân đảo Hòn Chuối, Cà Mau. Ảnh: Thanh Nghị

Nước cho vùng hạn, mặn

NHẬT HỒ LDO | 01/04/2020 18:50
Trước tình trạng khô hạn kéo dài tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều nơi đã cấp nước sinh hoạt cho người dân. Bên cạnh đó, việc điều tiết nước phục vụ sản xuất, sử dụng nước hợp lý cho ĐBSCL vẫn là bài toán cần sớm có lời giải.

Chia sẻ nước cho dân

Ngày 23.3, UBND tỉnh Cà Mau chính thức đề nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí phòng chống hạn hán phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt. Theo đó, Cà Mau cần hỗ trợ kinh phí phòng chống hạn hán phục vụ sản xuất, sinh hoạt hơn 310 tỉ đồng. Kinh phí này được sử dụng để chủ động trong việc tạo nguồn trữ ngọt nhằm phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt năm 2019 - 2020 và những năm tiếp theo.

Hiện nay, ở Cà Mau, mực nước trên hệ thống kênh trục, kênh cấp I chỉ còn từ 0,3m - 0,5m. Trong đó, một số kênh đã cạn nước, hệ thống kênh cấp II, cấp III đều đã khô cạn. Mực nước trên hệ thống kênh xuống thấp, thậm chí khô cạn dẫn đến mất phản áp, gây ra hiện tượng sụp lún, sạt lở lộ giao thông, đê biển, trên 20.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt… Theo ghi nhận của các cơ quan chuyên môn về khí tượng thủy văn, trong thời gian tới, tình hình hạn hán, thiếu nước sẽ còn tiếp tục gay gắt hơn nên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trước đó, cảnh sát biển đã hỗ trợ nguồn nước ngọt cho đảo Hòn Chuối bởi nơi đây không còn nguồn nước ngọt để người dân sinh sống.

Tại Sóc Trăng, trước tình hình hạn mặn kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Trung Bình (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) và Bộ Chỉ huy BĐBP Sóc Trăng đã tổ chức trao dụng cụ chứa nước cùng nước sạch cấp phát đến tận các hộ dân ở các địa phương trên địa bàn Biên phòng của tỉnh…

Có 350 hộ dân được cấp mỗi hộ 1 bồn chứa nước sạch dung tích 500 lít cùng nước sạch sinh hoạt. Cụ thể, xã Trung Bình (huyện Trần Đề) có 70 hộ, xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) 70 hộ, xã Lai Hòa (TX.Vĩnh Châu) 70 hộ, phường 1 (TX.Vĩnh Châu) 70 hộ, xã An Thạnh Ba (huyện Cù Lao Dung) 70 hộ được BĐBP trao tặng. Đồng thời, BĐBP cũng tổ chức chở 175m3 nước ngọt cấp cho bà con. Đây là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đầy tinh thần trách nhiệm của BĐBP đối với nhân dân trên khu vực biên giới biển ở tỉnh Sóc Trăng.

Tại Bạc Liêu, nhiều tổ chức, cá nhân cũng hỗ trợ bồn chứa nước cho người dân xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình để các hộ dân này có điều kiện trữ nước ngọt qua mùa hạn, mặn.

Sử dụng nguồn nước hợp lý

Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - nêu rõ: “Khi Bạc Liêu cần nước mặn để nuôi tôm thì Sóc Trăng cũng cần giữ nước ngọt để sản xuất lúa. Đây là điều xung đột trong nhiều năm nay mà chúng ta không giải quyết được. Chính vì vậy, Cống Âu thuyền Ninh Quới đi vào hoạt động, chúng ta đã kiểm soát hoàn toàn. Vùng mặn cũng đủ nước để sản xuất tôm, còn vùng ngọt để sản xuất lúa. Có thể nói, bà con rất yên tâm khi có Cống Âu thuyền Ninh Quới này”.

Hàng chục năm qua, tại vùng giáp ranh 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, việc điều tiết, kiểm soát nước ngọt và nước mặn phục vụ cho trồng lúa và nuôi trồng thủy sản của người dân luôn gặp khó khăn vào mùa khô hạn. Tuy nhiên, năm nay, người dân ở đây đã an tâm sản xuất vì công trình Cống Âu thuyền Ninh Quới vừa hoàn thành đi vào hoạt động đảm bảo điều tiết nước hài hòa giữa hai vùng mặn, ngọt.

Tỉnh Bạc Liêu cũng đã chính thức ký hợp tác sản xuất lúa thơm chất lượng cao tại mô hình lúa - tôm. Cụ thể, trong vụ mùa tới, huyện Phước Long đưa giống lúa ST24, ST25 vào sản xuất trên diện tích 15.000ha canh tác theo mô hình tôm lúa của huyện.

Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - nhận định: “Khi kiểm soát tốt nguồn nước (kể cả mặn và ngọt -PV), chúng ta chủ động được sản xuất, lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp theo nguồn nước đã kiểm soát. Chúng ta không thể khắc chế được hạn, mặn do biến đổi khí hậu, mà chỉ kiểm soát được nguồn nước để sản xuất phù hợp”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn