MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nước lên là lở, Sóc Trăng, Hậu Giang chờ một giải pháp căn cơ chống sạt lở

Văn Sỹ LDO | 16/05/2023 15:25

Chỉ tính riêng từ tháng 12.2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang xảy ra gần 20 vụ sạt lở bờ sông, gây thiệt hại, ảnh hưởng đến nhà cửa, tài sản và việc đi lại của người dân. Đáng lo ngại hơn, theo dự báo của ngành chức năng, tình trạng sạt lở sẽ còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới. 

Triều cường lên xuống là lại có sạt lở

Là địa bàn thường xuyên xảy ra sạt lở, tuyến kênh Phụng An thuộc xã An Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) tính từ đầu năm 2023 đến nay có trên 10 điểm sạt lở, ước tính thiệt hại hơn 300 triệu đồng.

 Hơn 20 m đường bê tông dọc kênh Phụng An thuộc xã An Mỹ, huyện Kế Sách bị sạt lở. Ảnh: Văn Sỹ

Trong đó, có một số điểm, sau khi sạt lở, được lực lượng chức năng cùng người dân gia cố bằng cừ, đất nhưng gần đây vẫn tiếp tục xảy ra sạt lở với chiều dài hàng chục mét, cuốn đi đường bê tông, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. 

"Ở đây không lâu là lại chứng kiến cảnh sạt lở đất, đường giao thông và nước tràn vào nhà, vườn cây ăn trái ngập hết. Không riêng gia đình tôi mà nhiều bà con sống dọc trên đường kênh Phụng An này đều phập phồng lo lắng.

Bởi, cứ những ngày triều cường lên xuống hay những lúc nước chảy xiết là có sạt lở. Chúng tôi mong ngành chức năng có giải pháp làm đê kè chắc chắn những đoạn cua, nơi có dòng xoáy nước dễ bị sạt ở để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất", ông Phùng Long Hải, ấp Phụng An, cho biết. 

 Đường bê tông dọc sông Hương lộ 6 thuộc huyện Kế Sách bị sụp xuống bờ sông. Ảnh: Văn Sỹ

Cũng là một địa phương thường xảy ra sạt lở bờ sông do có nhiều kênh, rạch trực tiếp ảnh hưởng của triều cường và nước chảy xiết, trong những tháng đầu năm, tỉnh Hậu Giang xảy ra gần 10 vụ sạt lở bờ sông.

2 vụ sạt lở nghiêm trọng gần đây là vào cuối tháng 3 tại ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành cuốn hơn 50 m lộ bê tông cùng đất và vườn cây của người dân xuống sông. Ngoài ra, vào đầu tháng 5.2023 vừa qua, tại kênh Đường Gỗ, ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, huyện Châu Thành cũng xảy ra vụ sạt lở hơn 20 m lộ bê tông, ảnh hưởng đến 1 căn nhà dân. 

 Hơn 50 m lộ bê tông dọc kênh Mái Dầm bị cuốn trôi xuống dòng nước. Ảnh: Phong Linh

"Chúng tôi ở cặp bờ sông này lo sợ lắm, vì dòng nước sông ngày càng chảy xiết, trong khi lòng sông được nạo vét ngày càng sâu nên rất dễ sạt lở. Tôi mong chính quyền địa phương và ngành chức năng thường xuyên khảo sát, đánh giá tình hình và nguy cơ sạt lở để chủ động triển khai giải pháp phòng chống sạt lở", ông Nguyễn Văn Đức, ấp Phú Lễ, cho biết.

Chỉ khắc phục tạm thời 

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ sạt lở bờ sông, bờ bao, đường bê tông với tổng chiều dài 458 m. Tuy nhiên, việc xử lý hiện nay chỉ mang tính khắc phục tạm thời, vì xảy ra sự cố ở vị trí nào thì xử lý, gia cố ở vị trí đó.

Theo ông Đạo, về lâu dài, cần có các đơn vị chuyên môn tư vấn khảo sát, đánh giá sát tình hình thực tế sạt lở để có những giải pháp căn cơ hơn, hiệu quả hơn. Phải vừa ứng phó, vừa đảm bảo cuộc sống và sinh kế của người dân tại các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của sạt lở.

"Chúng tôi cũng đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất trung ương xem xét phân bổ kinh phí để tỉnh triển khai các giải pháp công trình đê kè để phòng chống sạt lở hiệu quả, đảm bảo an toàn cuộc sống và tài sản của người dân", ông Đạo cho biết. 

 Vụ sạt lở đường bê tông nằm dọc kênh Đường Gỗ, ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang) vào đầu tháng 5.2023. Ảnh: Văn Sỹ

Theo Văn phòng Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ sạt lở, mất trên 800 m2 đất, tổng giá trị thiệt hại gần 1 tỉ đồng.

Theo ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh những năm gần đây ngày càng diễn biến phức tạp. Theo dự báo, do ảnh hưởng của thời tiết, triều cường, mưa bão, sạt lở sẽ còn tiếp tục diễn ra ở nhiều địa bàn như: Bờ kênh Lái Hiếu, kênh Nàng Mau thuộc thị xã Ngã Bảy; kênh Mái Dầm, huyện Châu Thành...

"Chúng tôi đã tăng cường phối hợp với một số ngành liên quan, chính quyền các địa phương có nguy cơ sạt lở khảo sát, kiểm tra và dự báo tình hình để thông báo người dân chủ động phòng tránh; cùng với đó, đề xuất các giải pháp di dời hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao; thành lập tổ xử lý sạt lở theo phương án 4 tại chỗ;...", ông Toàn thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn