MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ dân số thực hiện nhiệm vụ y tế tại Trạm y tế Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi, Hòa Bình. Ảnh: Thùy Linh

Nước mắt của cán bộ dân số những ngày cuối năm

Hà Quyên LDO | 19/12/2023 22:13

Một trong những nhiệm vụ của cán bộ dân số là đi tuyên truyền về bình đẳng giới. Trong khi đó, họ lại bị bất bình đẳng trong chính nơi làm việc của mình.

Tuyên truyền bình đẳng, chịu đựng bất bình

Một tháng trước, trả lời đại biểu Quốc hội về vấn đề chính sách đối với cán bộ dân số, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, nhiệm vụ chính của cán bộ dân số là làm chính sách dân số theo các quy định của Pháp lệnh Dân số, tuy nhiên trong thời gian vừa qua, khi triển khai thực hiện chế độ, chính sách ở địa phương, đã nhiều nơi bố trí cán bộ dân số làm các nhiệm vụ y tế khác nhưng không được hưởng các chế độ phụ cấp theo quy định.

Đồng thời, triển khai thực hiện Kết luận số 25 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05 năm 2023 về việc triển khai thực hiện các chế độ phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ làm công tác y tế dự phòng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, cán bộ y tế làm công tác dân số không nằm trong đối tượng triển khai của Nghị định 05 này.

Liên quan kiến nghị của cử tri liên quan vấn đề về chế độ, chính sách đối với cán bộ dân số, Bộ Y tế cũng đã trực tiếp cử các đoàn xuống công tác tại các địa phương để nắm bắt tình hình và cũng đã có văn bản 5492 gửi cho Ủy ban nhân dân các tỉnh về việc rà soát lại việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ dân số.

Gần thời điểm hết năm 2023, cũng là sau 4 tháng Bộ Y tế có văn bản 5492, đến nay, nhiều đơn vị chưa có sự điều chỉnh càng khiến cán bộ dân số mang nhiều tâm tư.

Ngay từ khi có Kết luận số 25 của Bộ Chính trị, viên chức dân số của huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã có tâm thư gửi Sở Y tế Quảng Ninh. Ngay sau khi Trung tâm Y tế nhận được thông tin, đã triệu tập 21/21 viên chức dân số và 21 trạm trưởng lên Trung tâm Y tế họp, quán triệt phải đi trình tự từ công đoàn trạm đến công đoàn Trung tâm Y tế. Sau đó, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 05, cán bộ làm công tác dân số không nằm trong đối tượng triển khai của Nghị định 05 này.

“Đến danh sách đề nghị nhận phụ cấp của Trung tâm Y tế còn có lái xe và hợp đồng nhưng dân số lại không thấy đâu. Chúng tôi vẫn phải đi tuyên truyền bình đẳng giới. Trong khi đó, lại bị bất bình đẳng tron chính ngôi nhà làm việc của mình. Cảm giác rất buồn. Trạm có 6 người, 5 người ngồi tính toán khi nhận tiền về sẽ làm cái gì, cán bộ dân số thì nước mắt chảy vào trong”- một cán bộ dân số của huyện Đông Triều bày tỏ với phóng viên Báo Lao Động.

Cán bộ dân số đề nghị tăng phụ cấp

Nhiều ý kiến của cán bộ dân số phản ánh nỗi chống chếnh khi liên tục phải chuyển đổi vị trí việc làm.

Chị Bạch Thị Kim Thoa - viên chức dân số của Trạm Y tế Đồng Tiến, TP Hòa Bình tỉnh Hòa Bình, vốn có bằng cao đẳng điều dưỡng đa khoa chính quy. Hiện tại, do biên chế là cán bộ dân số, nên chứng chỉ hành nghề của chị không được chấp nhận và khi xét lương bằng ngạch Cao đẳng chị cùng các đồng nghiệp như chị lại phải học thêm một chứng chỉ “chức danh nghề nghiệp”. Theo chị là rất tốn kém và bất cập.

Chị Đặng Thúy, cán bộ dân số ở Quảng Ninh, chia sẻ, anh chị em dân số quá vất vả. Cơ cấu bộ máy không ổn định. Lúc thì ở ủy ban, lúc lại về bên y tế. Chính vì thế, việc nâng cao trình độ chuyên môn cũng đã xáo trộn.

Nếu việc rà soát, cho phép cán bộ dân số làm công việc y tế chuyển sang y tế sẽ tạo cơ hội cho nhiều viên chức dân số nhưng cũng sẽ khiến nhiều viên chức dân số càng thêm thiệt thòi vì họ đã nâng cao trình độ, học đại học ngành luật, xã hội (đều là những chuyên ngành phù hợp cho công tác truyền thông dân số). Do đó, nhiều cán bộ dân số đề nghị tăng phụ cấp – giải pháp này thích hợp nhất với tình hình hiện tại.

“Chúng tôi chỉ cần một chút động viên so với hàng trăm chuỗi quan tâm của cán bộ y tế mà sao quá khó khăn, quá xa vời, khiến cán bộ dân số quá mệt mỏi, thêm nỗi tủi” – chị Thúy chia sẻ thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn