MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nước sạch đô thị ở TP Sóc Trăng đang vừa thiếu vừa kém chất lượng. Ảnh: Người dân cung cấp

Nước máy đen kịt, muốn dùng phải xả bỏ một giờ, tiền nước vẫn trả đủ

PHƯƠNG ANH LDO | 16/07/2024 15:32

Sóc Trăng - Tình trạng nước sinh hoạt trên địa bàn TP Sóc Trăng bị thiếu và kém chất lượng kéo dài mấy tháng nay, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống người dân.

Nửa đêm thức canh nước

Chị Bùi Ngọc Anh (phường 3, TP Sóc Trăng) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán 2024 đến nay, tại khu vực hẻm 147 - đường 30/4, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra liên tục, thậm chí có hôm không có nước.

“Ban ngày nước chỉ nhỏ giọt chứ không đủ để sử dụng. Tôi và bà con ở đây đêm nào cũng phải thức đợi đến 11 - 12 giờ khuya khi không còn nhà nào xài nữa, nước mới chảy mạnh để hứng. Nhà có máy giặt nhưng không dùng được vì không đủ nước, máy lọc nước cũng để yên mấy tháng nay”, chị Ngọc Anh nói.

This browser does not support the video element.

Nước sinh hoạt một số hộ dân tại TP Sóc Trăng có màu, nhiễm cặn. Ảnh: Người dân cung cấp

Chị Cái Thu Thảo (phường 8, TP Sóc Trăng) cho hay, do nhà thiết kế 2 tầng, nguồn nước máy yếu nên tầng 2 không thể sử dụng được. Chị đầu tư một máy bơm với giá 2,2 triệu đồng, mấy tháng trước nước quá yếu, máy bơm hoạt động hết công suất nên bị cháy. Chị phải mua một máy khác để bơm.

“Ở tầng 2 nếu không có máy bơm thì phải đợi đến 1 giờ khuya, lúc đó không còn ai xài nữa thì nhà mình mới sử dụng được”, chị Thảo nói.

Không chỉ nguồn nước sinh hoạt tại TP Sóc Trăng yếu, thiếu mà tình trạng nước bị đen, cặn, kém chất lượng cũng diễn ra thường xuyên.

Chị Dương Mỹ Linh (phường 2, TP Sóc Trăng) cho biết, chuyện nước bị đen, cặn 2 - 3 ngày là có, phải xả bỏ rất nhiều mới có thể sử dụng được. “Cách đây 2 hôm, tôi đang giặt đồ thì nước bị đen. Phải xả bỏ hơn 1 tiếng đồng hồ nước, mới trong trở lại”, chị Linh nói.

Nước có màu đen nên chị Linh phải xả bỏ khoảng 1 tiếng đồng hồ mới có thể sử dụng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cũng theo chị Linh, trung bình mỗi tháng tiền nước sinh hoạt từ 250.000 - 260.000 đồng nhưng trong đó khoảng 30.000 đồng là tiền nước bẩn xả bỏ không thể sử dụng. Cũng vì chất lượng nước máy kém mà gia đình chị chỉ sử dụng để tắm, giặt còn nước để uống, nấu ăn phải mua nước đóng bình.

Chị Nguyễn Thị Loan (phường 10, TP Sóc Trăng) cho hay, vì nguồn nước không đảm bảo nên chị đành bấm bụng đầu tư 2 dàn lọc nước với giá hơn 6 triệu đồng. Theo chị, nếu không có dàn lọc này, gia đình không dám sử dụng nước để sinh hoạt, nấu ăn.

Do công nghệ lạc hậu

Theo Công ty CP Cấp nước Sóc Trăng, đơn vị này hiện đang quản lý 24 nhà máy, công trình khai thác nước trên địa bàn các thị trấn, thị xã và TP Sóc Trăng. Tổng công suất thiết kế là 97.770m³/ngày đêm, công suất khai thác khoảng 70.000 m³/ngày đêm.

Trong năm 2023, lưu lượng nước thiếu hụt trên địa bàn TP Sóc Trăng khoảng hơn 20.000m³/ngày đêm. Nguyên nhân do ảnh hưởng xâm nhập mặn cùng với áp lực khai thác nước ngầm quá mức. Ngoài ra, công nghệ của nhà máy nước hiện đã lạc hậu dẫn đến tình trạng nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân trên địa bàn thiếu hụt nghiêm trọng, chất lượng nước kém.

Nguồn nước máy bị thiếu ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Ảnh: Phương Anh

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng cuối tuần qua, vấn đề nước sạch đô thị tiếp tục nóng nghị trường. Nhiều đại biểu quan tâm và yêu cầu đơn vị cấp nước, các cấp quản lý có biện pháp khắc phục khẩn trương, không chỉ cung cấp đủ nước mà chất lượng nước cũng phải đảm bảo cho người dân sinh hoạt và sử dụng.

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết, UBND tỉnh đã có trên 10 văn bản chỉ đạo kiểm tra chất lượng nước và yêu cầu giám đốc các sở, ngành liên quan tập trung ưu tiên, sớm khắc phục những hạn chế để đảm bảo tốt nhất nước sinh hoạt cho nhân dân.

Theo ông Lâu, trước mắt, tỉnh thường xuyên giám sát, kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt; xử phạt theo đúng quy định nếu chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo. Chỉ đạo việc kết nối, chia sẻ giữa Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường và Công ty CP Cấp nước Sóc Trăng để khắc phục tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số khu vực…

Về lâu dài, tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch các hồ chứa nước lớn làm nguồn cung cấp nước mặt xử lý phục vụ nước sinh hoạt cho người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn