MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nước tưới tiêu bị lợ, phèn khiến rau màu tại làng La Hường, Đà Nẵng bị ảnh hưởng. Ảnh: Thùy Trang

Nước nhiễm mặn, nông dân Đà Nẵng chỉ biết trông đợi trời mưa

THÙY TRANG LDO | 10/05/2023 08:58

Nắng nóng cùng với việc nước tại các hồ chứa trên đầu nguồn đang bị cạn kiệt khiến nước sông Cẩm Lệ, Đà Nẵng bị nhiễm mặn. Làng rau La Hường, quận Cẩm Lệ nằm bên bờ sông này cũng đang bị ảnh hưởng khi các hộ dân đang phải tưới nước lợ, nhiễm phèn. Rau màu nhiều loại bị chết gốc, chết khô. Người dân chỉ biết trông chờ vào mưa để rửa mặn.

Nước sông nhiễm mặn, nước giếng vừa lợ vừa phèn

Chưa đến thời điểm nắng nóng gay gắt, kéo dài nhất của mùa khô năm 2023 nhưng một số hộ dân tại làng rau La Hường, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng đã đối diện với việc nước nhiễm mặn, nhiễm phèn. Người dân chỉ dám tưới nước cầm chừng vì nước mặn, phèn thì càng tưới rau càng cháy.

Ông Phan Ngọc Phu (trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), hộ dân trồng rau tại La Hường cho biết, bình thường vào tháng 5 và 6 âm lịch, nước sông mới bắt đầu nhiễm mặn nhưng nay từ tháng 2 âm lịch, nước đã mặn rồi.

“Nếu có mưa giông thì mới đỡ chứ chẳng có cách nào xử lý được. Nước mặn, phèn, làm mùa vụ mùa của bà con bị ảnh hưởng, rau màu mới gieo thì mọc đều nhưng tưới hoài nước mặn, phèn này thì chẳng bao lâu chỉ còn đất không, cây chết. Người dân không muốn gieo trồng nữa” - ông Phu cho hay.

Bà Trần Thị Chiến, một hộ dân khác cũng trồng rau tại La Hường cũng phản ánh, nước sông mặn, nước giếng thì lợ, phèn nhưng cũng phải tưới chứ không còn cách nào. Nhưng rau tưới nước này thì bị cháy, mang ra chợ bán thì người ta chê rau úa. Vạt rau má vườn nhà bà Chiến đã vàng như lá nghệ nên nay bà chẳng dám cắt bán.

Đồng cảnh ngộ này, ông Lê Hồng Việt (trú phường Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ) vừa tưới vừa than thở, nhiều luống ớt của ông đã chết khô. Ông Việt phán đoán, tình hình nhiễm mặn thế này phải hết tháng 7 mới hết. Mấy năm trước, nước nguồn về nhiều thì đẩy mặn tốt, còn giờ nắng nóng, cộng thêm không có nguồn nước đẩy mặn, thủy triều lên thì xâm nhập mặn nhanh hơn, sớm hơn.

 Ông Việt giữa những luống ớt có chỗ đã bị cháy khô. Ảnh: Thùy Trang

Không chỉ có ớt mà cây bí nhà ông Việt cũng đang chết dần khiến ông phải bỏ một nửa diện tích đất, không trồng thêm gì vì chẳng biết thu được không hay lại mất thêm công chăm sóc. Đối diện vườn ông Việt, một số hộ dân khác cũng đang nhổ bỏ những gốc mướp, bắp cháy khô. Ruộng bí đao đang sai quả bên cạnh cũng bị cháy lá vàng. Người dân nơi đây đang mong chờ những cơn mưa tới để may ra cây và đất được rửa bớt mặn, phèn được chừng nào hay chừng đó.

Chỉ trông nhờ trời

Ông Trần Văn Hoàng - Giám đốc Hợp tác xã rau La Hường cho biết, hiện nay có vài diện tích rau thiệt hại nhẹ do nguồn nước tưới từ sông Cẩm Lệ và giếng khoan đều đã bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. Hoa màu bị ảnh hưởng nhẹ thì vàng lá, thiệt hại nặng hơn thì cây chết khô. Hiện các hộ cố gắng dùng nước tưới bằng cách lắng bể để lấy nước bề mặt nhằm giảm phèn.

Trao đổi về phương án lâu dài khắc phục tình trạng nhiễm mặn, phèn cho làng rau, ông Hoàng cho biết, từng có đề xuất đầu tư hệ thống chuyển nước mặn thành nước ngọt phục vụ tưới tiêu nhưng phương án này không khả thi vì số tiền đầu tư rất lớn.

 Những vườn rau bị cháy, lá vàng úa khiến người dân lo lắng. Ảnh: Thùy Trang

Năm 2022, Phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ đã thực hiện khoan giếng sâu 26m để khảo sát độ mặn của nước nhưng kết quả không ăn thua, nước vẫn bị lợ. Vậy nên, mỗi năm, làng rau La Hường Đà Nẵng như “đến hẹn lại lên”, cứ đến thời điểm nước nhiễm mặn quá cao thì người dân phải bỏ ruộng.

Tuy nhiên năm nay, thời tiết khô hạn và việc thiếu nước nguồn do các hồ chứa đã cạn nước khiến việc nhiễm mặn diễn ra sớm hơn. Người dân chỉ còn biết trông chờ vào trời. Mưa nhiều, mưa sớm thì rửa được mặn, phèn cho đất cho cây. Còn nếu trời không mưa, nước trên nguồn không về thì bà con phải bỏ đất hoang. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn