MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Tân Bình) đen ngòm, bốc mùi hôi thối kèm rác thải. Ảnh: Minh Quân

Nước thải vẫn xả thẳng ra môi trường vì thiếu nhà máy xử lý

Sơn Hà LDO | 03/08/2023 08:18

TPHCM đã chi hàng chục nghìn tỉ đồng đầu tư, cải tạo các tuyến kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hoá - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé... Tuy nhiên, nước ở nhiều tuyến kênh vẫn ô nhiễm do các nhà máy xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ.

Chi hàng chục nghìn tỉ đồng cải tạo kênh vẫn chưa hết ô nhiễm

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10 km, chảy qua các Quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn.

Năm 2002, thành phố triển khai dự án cải tạo tổng vốn đầu tư hơn 8.600 tỉ đồng, do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự án hoàn thành năm 2012 giúp giảm ngập, ô nhiễm, nâng cao môi trường sống cho 1,2 triệu dân trong khu vực. Tuy vậy, nhiều năm qua, tuyến kênh luôn xảy tình trạng ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt.

Tương tự, công trình cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm hơn 7 km qua ba Quận 6, 11 và Tân Phú hoàn thành năm 2015 với kinh phí khoảng 5.000 tỉ đồng. Đến nay đường sá, bờ kè hai bên đã khang trang nhưng nước kênh vẫn đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Nhà máy xử lý nước thải ì ạch

Theo quy hoạch, đến năm 2025, TPHCM sẽ có 12 nhà máy xử lý nước thải có công suất gần 3 triệu mét khối nước/ngày. Tuy nhiên, đến nay TPHCM mới hoàn thành 3 nhà máy, gồm: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng công suất 141.000 m3/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa công suất 30.000 m3/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát công suất 131.000 m3/ngày.

Do việc đầu tư thiếu đồng bộ nên dù có dự án đã hoàn thành hoặc hoàn thành được giai đoạn 1 nhưng vẫn chưa xử lý được nước thải.

Trong khi đó, công trình lớn nhất là nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè với công suất 480.000m3 mỗi ngày, thuộc dự án Vệ sinh môi trường TPHCM (giai đoạn 2) triển khai gần 10 năm trước, song chậm tiến độ do nhiều vướng mắc. Dự kiến tháng 4.2024, nhà máy xử lý nước thải trên mới hoàn thành. Bi kịch hơn là Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương đặt tại Quận 12 được đầu tư 1.900 tỉ đồng đã hoàn thành xây dựng vào năm 2018 nhưng mới đạt khoảng 10% công suất (tương đương 13.000-15.000 m3/ngày) do thiếu cống thu gom.

Theo Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM, để giải quyết vướng mắc, TPHCM đang lên kế hoạch đầu tư dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu lưu vực Tham Lương - Bến Cát với tổng vốn đầu tư gần 8.200 tỉ đồng.

Công trình sẽ đầu tư hơn 80 km hệ thống cống chính, nối đến những nơi đã đô thị hoá cao trong khu vực. Nước thải ở tuyến cống chính sau đó được tách riêng, dẫn về Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát qua hệ thống cống nhỏ hơn. Dự án đã được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư hồi tháng 7.2022, dự kiến triển khai giai đoạn 2023 - 2028.

Cũng trong giai đoạn trên, TPHCM sẽ triển khai dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu lưu vực Tây Sài Gòn tổng vốn đầu tư hơn 8.100 tỉ đồng.

Theo ông Đặng Phú Thành - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - thành phố sẽ hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2, nâng công suất từ 141.000 m3/ngày lên 469.000 m3/ngày). Đồng thời, đẩy nhanh thi công các hạng mục công trình của Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2.

TPHCM cũng mời gọi đầu tư 6 nhà máy xử lý nước thải: Tây Thành phố, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa, Tây Bắc và Tham Lương - Bến Cát giai đoạn 2 trong giai đoạn 2021-2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn