MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nuôi sứa cảnh, kiến cảnh thay thú cưng

Ngọc Ánh - Như Quỳnh LDO | 20/07/2023 17:17

Không chỉ dừng lại ở các loài bò sát như trăn, rắn, rồng Nam Mỹ, rùa, thỏ... nhiều người trẻ tại TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu thử nghiệm nuôi các loại "thú cưng" mới, giúp giải toả căng thẳng.

Lung linh sứa cảnh

Được xem là người đầu tiên mang mô hình nuôi sứa cảnh tại nhà về TP Hồ Chí Minh (từ năm 2019), chị Lê Đặng Việt Trinh rất vui vì đến nay, mô hình này đã trở nên phổ biến ở khắp các tỉnh thành tại Việt Nam. Nhiều hội nhóm từ đó cũng được lập ra để chia sẻ về kinh nghiệm nuôi sứa và trao đổi sứa cảnh, tạo nên một sân chơi thú vị cho những người đam mê mô hình nuôi cá nước mặn.

Theo chị Trinh, việc nuôi sứa cảnh không hề dễ dàng khi phải đáp ứng nhiều tiêu chí như nhiệt độ, môi trường nước.

Để nuôi được sứa cảnh, quy trình nuôi bao gồm việc chọn nguồn nước và chọn hồ chuyên dụng 1 lít, 4 lít hay 10 lít tuỳ thuộc vào kích thước và số lượng mà người chơi mong muốn. Đồng thời, việc duy trì nhiệt độ trong nước ở mức 25 - 28 độ C và không để ánh nắng chiếu trực tiếp là yếu tố quan trọng giúp sứa cảnh duy trì sự sống.

"Người chơi có thể dùng nước biển hoặc nước pha với muối biển nhân tạo. Mỗi lần thay nước chỉ thay khoảng 20 - 30%. Độ mặn của nước có thể dùng thước đo và điều chỉnh từ mức 1.023 đến 1.025 là ổn định", chị Trinh nói.

Chị Trinh đã nhập về hàng trăm con sứa từ các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc,...
Để chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh, uyển chuyển của sứa cảnh, cần có thêm đèn led nhiều màu sắc để hình ảnh sứa cảnh hiện lên đầy sống động.

Chị Trinh chia sẻ, những người chơi sứa cảnh dễ bị thu hút bởi vẻ đẹp uyển chuyển và hình dáng nhỏ hoặc siêu nhỏ của những con sứa, tạo nên cảm giác vui mắt và giải toả căng thẳng rất tốt.

"Tôi thích để sứa ở trong phòng ngủ, ngắm mấy con bơi nhẹ nhàng như vậy thấy thư giãn, dễ ngủ hơn. Đặc biệt với những hồ như thế này có tác dụng làm đèn ngủ luôn cũng được. Đây như là một góc để mình sống ảo vậy" - chị Trinh bày tỏ.

Niềm vui chăn kiến

Khác với suy nghĩ của nhiều người thường xem kiến là loại côn trùng rắc rối và phá hoại thì nhiều năm trở lại đây, trào lưu nuôi kiến cảnh đang được nhiều người trẻ yêu thích và lựa chọn để làm "thú cưng" cho riêng mình.

Anh Nguyễn Tấn Minh Nhựt bắt đầu thú chơi kiến cảnh từ tháng 8.2019 và hiện đang sở hữu 7 đàn kiến với nhiều chủng loại khác nhau.

Anh Nguyễn Tấn Minh Nhựt chăm sóc đàn kiến.

"Nuôi kiến rất đơn giản và gần như không cần sử dụng quá nhiều phương pháp. Kiến chỉ ăn đường, ăn côn trùng và uống nước. Mình chỉ cần làm tổ và cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ, để ở nơi yên tĩnh là được.

Kiến là loại 'thú cưng' phù hợp cho những ai không có nhiều thời gian chăm sóc, bị hạn chế về không gian và ưu tiên việc tối ưu chi phí", anh Nhựt chia sẻ.

Để bắt đầu nuôi kiến cảnh, người chơi có thể tự bắt kiến và làm tổ kiến (hay còn gọi là Tank). Nếu có điều kiện cũng có thể đầu tư một bộ Tank với giá trong khoảng từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Sau một thời gian chơi kiến và tự làm Tank, anh Nhật đã nảy ra ý tưởng kinh doanh với mong muốn phát triển cộng đồng nuôi kiến cảnh tại Việt Nam.

Những chú kiến được chăm sóc đặc biệt trong Tank.
Những lúc rảnh rỗi, việc cho kiến ăn cũng là cách giải trí lành mạnh.

"Muốn phát triển mô hình nuôi kiến cảnh thì phải có người làm ra những sản phẩm chất lượng. Trước đây cũng đã có một số người làm rồi nhưng không đầu tư về Tank, khiến nhiều người vốn đã có cái nhìn không đẹp về kiến khó có thể thay đổi suy nghĩ về thú vui này nếu cái Tank kiến không đẹp", anh Nhựt nói.

Trong cộng động của những người đam mê thú vui nuôi kiến cảnh, nhiều người cho rằng đã học được nhiều điều từ việc quan sát những chú kiến. "Như việc khi thả vào hộp một loại thức ăn từ côn trùng nào đó, một con kiến sẽ nhanh chóng phát hiện và báo động cho những con kiến khác biết. Vậy mới thấy tính đoàn kết của loài kiến cao đến nhường nào", anh Nhựt chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn