MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ Tổ chức WAR cứu hộ và chăm sóc loài vượn má hung cực kỳ nguy cấp, quý hiếm. Ảnh: WAR

Nuôi trái phép động vật hoang dã khiến chúng mất đi bản năng, nguy hại

TUỆ NHI LDO | 05/03/2023 10:00

Thời gian qua, tại TPHCM và nhiều tỉnh phía Nam liên tiếp phát hiện những động vật hoang dã “đi lạc” vào nhà dân, khu dân cư. Đây là một điều lạ bởi những khu đô thị sầm uất rất khó để xuất hiện loài động vật hoang dã tự nhiên. Qua kiểm tra của lực lượng chuyên môn cho thấy đa phần loài đã mất đi nhiều bản tính tự nhiên, có thể nhận định nguyên nhân là từ nuôi nhốt, vận chuyển trái phép.

Tiếp nhận, giải cứu nhiều loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm

Ông Lê Xuân Lâm - Quản lý Trạm bảo tồn Động vật Hoang dã (ĐVHD) Dầu Tiếng, Tổ chức Wildlife At Risk (WAR) cho biết, một vài năm gần đây các cơ quan chức năng đã tiếp nhận nhiều loài ĐVHD quý hiếm nằm trong nhóm IB (theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP) chẳng hạn như rái cá, cu li, vượng, vọoc, tê tê, rắn hổ chúa...

Ở nhóm IIB, rất nhiều loại được người dân tự nguyện giao nộp hoặc được giải cứu như khỉ, rùa, rắn, trăn,...

Nói về việc một số loài ĐVHD mất đi nhiều bản năng tự nhiên, ông Lâm cho hay khi được nuôi nhốt trong thời gian dài thì bản năng hoang dã, bản chất của động vật cũng dễ bị mất dần. Đội ngũ cứu hộ mất rất nhiều thời gian và công sức để phục hồi bản năng hoang dã đó. Sau cả một quá trình phục hồi, các động vật sẽ được thả về thiên nhiên.

Chi cục Kiểm lâm Bình Dương, Tổ chức WAR 2 tiếp nhận 2 vượn má hung bị nuôi nhốt trong một chiếc lồng chật hẹp do người dân tự nguyện giao nộp. Ảnh: WAR

Trong quá trình công tác, ông Lâm nhận thấy ở nhóm IIB, khỉ thường là loài mất đi nhiều bản năng nhất bởi được người dân nuôi nhiều và trong thời gian rất lâu. Ở nhóm IB thì có con vượn do có tiếng hót hay nên được yêu thích. Hầu hết chúng thường được nuôi từ nhỏ, hơn 2/3 đoạn đời sống bị nhốt thì bản chất hoang dã gần như mất đi.

Phóng sinh sai cách là hại động vật

Ông Lâm chia sẻ thêm, thực tế phổ biến hiện nay là tình trạng nhiều người thường phóng sinh động vật với suy nghĩ để chúng được về với thiên nhiên, cầu may thế nhưng hầu hết lại đang làm sai cách, gây hại cho động vật.

Chẳng hạn như người dân thường hay phóng sinh rùa ở ao, hồ gần chùa, trong chùa… nhưng môi trường đó không đảm bảo cho rùa sống, ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài vật. Khi thả bất cứ loài ĐVHD nào về môi trường tự nhiên, chúng ta phải xác định đúng môi trường sống và khu vực phân bố của loài đó.

Nhiều loài rùa quý đang được nuôi nhốt, phóng sinh sai sách. Ảnh: ENV 

Theo một khảo sát hơn 400 ngôi chùa, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn TPHCM do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thực hiện vào đầu tháng 7.2022, nhiều nơi vẫn ghi nhận hoạt động nuôi nhốt, phóng sinh rùa. Theo ENV, việc hiểu sai ý nghĩa và bản chất của hoạt động phóng sinh đã dẫn đến một số hiện tượng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường và các nỗ lực bảo vệ ĐVHD.

Tất cả các loài động vật hoang dã đều được bảo vệ ở các cấp độ nhất định theo quy định của pháp luật trong nước và quốc tế. Hành vi mua bán ĐVHD để phóng sinh khi không hiểu rõ đặc điểm sinh thái của các loài là vi phạm pháp luật, tiếp tay cho hoạt động săn bắt, buôn bán động vật trái phép, ảnh hưởng tới quần thể loài trong tự nhiên và môi trường.

Chiếm giữ ĐVHD “đi lạc” coi chừng phạm pháp

Nếu phát hiện ĐVHD quý hiếm (nhóm IB, IIB) đi lạc vào nhà mình mà có hành vi bắt giữ để nuôi cũng được xem là vi phạm hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo điều 21, Nghị định 35/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 12, điều 1, Nghị định 07/2022/NĐ-CP, người nào có hành vi bắt nhốt, nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, tùy mức độ sẽ bị xử phạt hành chính ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Còn theo quy định tại điều 234 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a, điểm b, khoản 57, điều 1, Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017, người nào có hành vi săn bắt trái phép động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thì tùy theo từng mức độ sẽ có các mức hình phạt khác nhau. Cụ thể, có thể bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp ĐVHD vào nhà, người dân không may đánh chết, cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra, xác minh và tùy mức độ sẽ có các mức hình phạt khác nhau. Khi phát hiện ĐVHD, người dân phải thông báo ngay cho cơ quan kiểm lâm, chính quyền địa phương chứ không nên tự ý bắt giữ hay tác động mạnh để tránh gặp rắc rối về pháp lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn