MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án môi trường 72 triệu USD ở Nha Trang hiện đang chậm tiến độ. Ảnh: Hữu Long

Nút thắt khiến dự án 72 triệu USD thi công chậm, nguy cơ phải bồi thường

Hữu Long LDO | 12/07/2023 11:24

Dự án môi trường ở Nha Trang có số vốn 72 triệu USD đang chậm tiến độ, đối mặt với nguy cơ hủy một số gói thầu, đền bù cho nhà thầu. Một trong những nguyên nhân khiến dự án này chậm tiến độ chính là việc thiếu đất tái định cư.

* Sẽ rắc rối pháp lý nếu đồng loạt hủy thầu ở dự án 72 triệu USD Nha Trang

Ngày 12.7, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo về công tác giải phóng mặt bằng dự án Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang (Dự án CCSEP Nha Trang) với số vốn đầu tư lên đến 72 triệu USD.

Hiện dự án môi trường bền vững ở Nha Trang đang vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hữu Long

Công tác giải phóng mặt bằng đang rất chậm

Hiện nay công tác giải phóng mặt bằng đối với Dự án CCSEP Nha Trang đang rất chậm do ảnh hưởng của việc Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa – chủ đầu tư, điều chỉnh ranh giới thu hồi đất các hạng mục (thay đổi giữa thiết kế cơ sở và thiết kế thi công).

Việc thay đổi ranh giới khiến Hội đồng bồi thường phải làm lại các bước từ kiểm kê, họp xác minh nguồn gốc đất, họp hội đồng bồi thường, niêm yết và trình phê duyệt.

Ngoài ra, khu tái định cư Ngọc Hiệp được xây dựng để bố trí tái định cư cho Dự án CCSEP Nha Trang chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, không thực hiện được việc giao đất tái định cư tại thực địa để hộ dân xây nhà ở và bàn giao mặt bằng, dẫn đến phải thay đổi quỹ đất tái định cư, phải xây dựng lại tiêu chí tái định cư, phê duyệt lại phương án tái định cư...

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa, tổng số lô ở Khu tái định cư Ngọc Hiệp dự kiến bố trí cho người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án CCSEP Nha Trang là 250 lô. Tuy nhiên, đến nay khu tái định cư mới chỉ có 205 lô, không đủ tái định cư cho Dự án CCSEP Nha Trang.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, một lãnh đạo UBND TP Nha Trang, địa phương đã bàn giao cho chủ đầu tư đất trống với diện tích khoảng 6,5ha từ năm 2018 để xây khu tái định cư Ngọc Hiệp.

Trong giai đoạn 2018-2020, địa phương tiếp tục bàn giao tổng diện tích 2ha cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi được giao đất, chủ đầu tư không tổ chức thi công, không có đất tái định cư nên không có cơ sở vận động người dân nhận đất.

Vì không có đất tái định cư nên Dự án CCSEP Nha Trang chậm tiến độ so với cam kết của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam. World Bank cũng yêu cầu chủ đầu tư hủy các hợp đồng đã hết hạn (hợp đồng NT-2.1 hay còn gọi kè và đường Nam sông Cái) hoặc sắp hết hạn (hợp đồng NT-2.3 hay còn gọi Kè bắc sông Cái và đường Chử Đồng Tử).

Và nếu hủy gói thầu này, Khánh Hòa sẽ đối diện với hệ lụy như đền bù thiệt hại cho nhà thầu, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Dự án môi trường bền vững ở Nha Trang đang đối diện với nguy cơ bị nhà thầu khiếu kiện. Ảnh: Hữu Long

Chủ đầu tư đã làm hết trách nhiệm (!)

Trước các ý kiến của các sở ban ngành về việc dự án Khu tái định cư Ngọc Hiệp chậm xây dựng hạ tầng, ảnh hưởng chung đến đại Dự án CCSEP Nha Trang, trao đổi với Báo Lao Động, ông Hồ Tấn Quang - Giám đốc Ban quản lý Dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cho rằng, hạ tầng kỹ thuật tại khu tái định cư Ngọc Hiệp đã đầy đủ điện, đường, hệ thống thoát nước, đảm bảo bố trí tái định cư cho người dân.

Hiện tại khu tái định cư này cũng chỉ còn một vài khu vực nhỏ vẫn đang được tổ chức thi công để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.

Ông Quang cho rằng, khi thực hiện Dự án CCSEP Nha Trang, từ giai đoạn giải phóng mặt bằng, ban hành thông báo thu hồi đất thuộc trách nhiệm UBND TP Nha Trang. Ngoài ra, phường xã, Hội đồng bồi thường và Trung tâm phát triển quỹ đất có trách nhiệm xác minh nguồn gốc đất, kiểm kê tài sản, lập phương án, niêm yết, thẩm định bồi thường.

“Ban chỉ làm khâu cuối cùng là khi có quyết định phê duyệt, chúng tôi mới chi trả cho người dân. Dĩ nhiên chúng tôi cũng hỗ trợ Hội đồng bồi thường...” – ông Quang nói và cho biết thêm, đến nay về trách nhiệm chung, chủ đầu tư cũng đã nhận hình thức phê bình trước lãnh đạo tỉnh vì để Dự án CCSEP Nha Trang, Khu tái định cư Ngọc Hiệp chậm tiến độ.

Có ý kiến cho rằng chủ đầu tư không tập huấn cho Hội đồng bồi thường về khung chính sách của World Bank. Hậu quả là phương án bồi thường mà Khánh Hòa phê duyệt không phù hợp với khung chính sách mà World Bank đã đưa ra.

Về việc này, ông Hồ Tấn Quang nói: "Ngay từ đầu khi triển khai dự án, khung chính sách của World Bank đã được Hội đồng bồi thường nắm rõ. Ban cũng đã nhiều lần có ý kiến về việc thực hiện các chính sách theo World Bank nhưng Hội đồng bồi thường không đồng ý".

Có thể nói Dự án CCSEP Nha Trang đang đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình triển khai và sẽ còn tiếp tục chậm tiến độ. Hơn nữa, nhiều sở ngành tại Khánh Hòa vẫn chưa thống nhất các phương án triển khai thực hiện.

Đối diện với nguy cơ vỡ trận Dự án CCSEP Nha Trang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh đã họp với các sở ngành và chia sẻ rằng, đây không phải là lúc các sở ngành đổ lỗi cho nhau mà cần chung tay triển khai thực hiện Dự án CCSEP Nha Trang.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn