MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phóng viên Tô Thế tác nghiệp bên trong khu vực xảy ra cháy tại Nhà máy Rạng Đông năm 2019. Ảnh: TRANG HÀ

Ở đâu có sự kiện, ở đó có Media

Trang Thiều LDO | 15/02/2024 16:40

Media - tên gọi tắt của Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện, Báo Lao Động là “lò luyện” những nhân tố “nhanh, nhạy, không biết mệt là gì”.

Phải nhanh, nhạy

Sau gần 4 năm học tập và làm việc tại Báo Lao Động, giờ đây tôi rất tự hào về danh xưng “Thiều Trang - phóng viên Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện (Media), Báo Lao Động”. Ở đó tôi được sống, được cống hiến và nỗ lực hết mình với đam mê và hoài bão của tuổi trẻ. Ngẫm nghĩ, hành trình theo đuổi giấc mơ có quá nhiều điều để nhớ và biết ơn, thế nhưng với phóng viên trẻ như tôi, điều quý giá nhất là có nơi để học tập và trải nghiệm, có người bao dung và có “lò bát quái” tôi luyện.

Chập chững bước vào nghề với những bài viết “chữ + ảnh”, thế nhưng đối mặt với xu thế phát triển của báo chí hiện đại, chúng tôi phải chuyển mình để trở thành những phóng viên “đa di năng”. Đặc biệt, công tác tại Media, chúng tôi đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, vừa quay phim, chụp ảnh, vừa viết tin, làm phóng sự. Làm báo trong thời đại công nghệ số, chúng tôi cùng lúc vừa làm báo hình, báo in còn kiêm luôn cả phát thanh viên, dẫn chương trình. Đặc biệt, được tôi luyện về độ nhanh, nhạy, cũng vì vậy luôn sẵn sàng tinh thần “ở đâu có sự kiện, ở đó có Media”.

Chúng tôi vẫn hay cười với nhau: “Muốn ăn không ngon, ngủ không yên thì ở lại với Media”. Bởi rất có thể, đang trong bữa cơm tối nhưng nhận tin “có cháy”, phóng viên sẵn sàng buông đũa trên tay và đến hiện trường. Thậm chí, gội đầu chưa xả hết xà bông nhưng nghe thông tin “học sinh ngộ độc, nhập viện tập thể”, phóng viên sẽ tức tốc chạy đến bệnh viện. Media là vậy, ở đâu có sự kiện, ở đó có chúng tôi.

Và rồi, hành trình mang thông tin đến bạn đọc buộc phải “nhanh như chớp”. Phóng viên Media có thể tự mình đến hiện trường vụ việc, thực hiện ghi hình phỏng vấn nhân vật, đặt máy quay dẫn hiện trường và chọn một góc bên vệ đường dựng bài gửi ngay về tòa soạn. Chúng tôi chạy đua với thời gian và tôi nhận thức rõ nét về công việc mà mình đã lựa chọn là không bao giờ được dừng lại.

Phóng viên Media cũng phải “nhạy” - nhanh nhạy với sự kiện, nhạy cảm với dữ liệu và nhạy bén với những đổi mới.

Là phóng viên theo dõi mảng Giáo dục, tôi theo sát những sự kiện của ngành, dõi theo từng kỳ thi lớn nhỏ. Mỗi mùa thi kết thúc, tôi sẽ dành thời gian xâu chuỗi những trải nghiệm quý báu về nghề, thu gọn lại thành cuốn băng nhỏ và cất vào một góc lòng, để học cách “nhạy”.

Đó là những “đêm giao thừa” không ngủ - Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT vào lúc 12 giờ đêm. Chúng tôi “thần tốc” sản xuất tin bài, liên tục tìm ra chân dung thủ khoa, nhanh chóng phân tích dữ liệu phổ điểm và liên tục đổi mới cách truyền đạt thông tin từ thiết kế đồ họa, dựng podcast, viết emagazine. Đó là “đêm giao thừa” không ngủ, nhưng chúng tôi ngập tràn niềm vui vì đã giúp độc giả tiếp cận thông tin nhanh nhất, chính xác nhất.

Phóng viên Media chúng tôi cũng sẵn sàng đương đầu với những vấn đề tiêu cực. Chúng tôi đã từng “ăn ngủ gật gù” nhiều tháng tại các lò luyện thi chứng chỉ tiếng Anh bát nháo, tìm mọi cách ghi hình ghi tiếng những bằng chứng chân thật nhất nhằm lột trần sự giả dối trong thi cử. Và lúc bấy giờ, phóng viên là người tạo ra sự kiện, vạch trần những tiêu cực, góp phần xây dựng và điều chỉnh chính sách.

Phóng viên Thiều Trang (áo đỏ) tác nghiệp thi lớp 10. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Phải không biết mệt là gì

Thế nhưng sự nhanh, nhạy đó cũng đối mặt với nhiều hiểm nguy. Phóng viên Tô Thế - được mệnh danh là người chiến đấu với “giặc lửa” của Media. Tô Thế nói: “Thực sự tôi không thể nhớ mình đã có mặt tại hiện trường bao nhiêu vụ cháy, nổ trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Chỉ biết, nơi nào có thể đến thì tôi sẵn sàng có mặt, bất kể ngày đêm, mưa nắng”.

Tô Thế từng sống trong thấp thỏm, lo âu sau khi tác nghiệp vụ cháy Nhà máy Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông (Hà Nội) năm 2019. Bởi khả năng có một lượng lớn thủy ngân từ trong hiện trường vụ cháy phát tán ra ngoài. Thời điểm đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu Sở Y tế tổ chức khám sức khỏe cho người dân trong bán kính 500m quanh vụ cháy Công ty Rạng Đông. Và Tô Thế cũng không ngoại lệ.

“Trong 1 tuần chờ kết quả, 2 từ “thủy ngân” khiến tôi bị ám ảnh, bởi tôi đã tìm hiểu rất nhiều về những tác hại của nó đối với sức khỏe. Tuy nhiên, tôi không trách bản thân tại sao lại có mặt ở hiện trường - vì đó là nhiệm vụ của phóng viên, một người làm báo. Tôi chỉ nghĩ lần sau cần cẩn thận hơn. Một tuần trôi qua, chúng tôi nhận được kết quả xét nghiệm, tất cả đều có chỉ số an toàn. Lúc này tôi mới cảm thấy may mắn và nhẹ nhõm. Dấn thân nhưng cần có ranh giới” - Tô Thế nói.

Ở Media còn có những “chân chạy” - là những phóng viên “không biết mệt là gì”. Ban ngày, ban đêm, nửa đêm hay rạng sáng, trời mưa hay nắng, bão táp hay mưa giông họ đều không ngần ngại lao ra đường đưa tin tức. Dẫu biết, phía sau những dòng tin, bức ảnh gửi về từ hiện trường là nỗi vất vả, hiểm nguy của các phóng viên trực tiếp tác nghiệp. Thế nhưng, khi có thông tin về những sự cố, vụ việc, phóng viên lập tức “lao” đi, mong muốn tiếp cận hiện trường nhanh nhất, sớm nhất.

Dù thức xuyên đêm, ngày ngủ 3 tiếng, thậm chí ốm sốt vẫn “không biết mệt là gì”. Bởi sau những lần tác nghiệp như vậy, chúng tôi cười với nhau “đáng và đã”. Bởi “người chọn nghề và nghề cũng chọn người”, chúng tôi chọn sứ mệnh truyền đạt tin tức, còn bạn đọc chọn tin tưởng sản phẩm và tờ báo của chúng tôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn