MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kênh S40 và nhiều kênh, mương khác trên địa bàn xã Yên Tiến ô nhiễm, người dân trồng sen và thả bèo để giảm mùi hôi thối. Ảnh: Hà Vi

Ô nhiễm kênh mương nghiêm trọng tại làng nghề ở Nam Định

Hà Vi LDO | 15/01/2024 07:45

Nhiều năm qua, hệ thống kênh, mương thủy lợi ở khu vực xã Yên Tiến (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) trở thành nỗi ám ảnh của người dân vì dòng nước đen ngòm, thường xuyên bốc mùi hôi thối.

Nín thở vì hôi thối

Từ việc làm nghề thủ công mỹ nghệ tre, nứa chắp và nghề làm đồ thờ, đời sống kinh tế của người dân xã Yên Tiến (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã có những bước phát triển đột phá. Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế phát triển kinh tế, người dân xã Yên Tiến đang phải trả giá đắt về môi trường, nhất là hệ thống kênh, mương thủy lợi đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước đen ngòm, thường xuyên bốc mùi hôi thối.

Bà Ngô Thị Nga (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên) cho biết: "Đến xã tôi, bất kể ngày mưa hay nắng đều cảm nhận được mùi hôi thối rất khó chịu, nhất là khu vực ngâm tre, nứa (những nguyên liệu chính dùng để phục vụ công việc đan lát của bà con nơi đây). Trước đây, hầu hết tất cả các ao hồ, kênh, mương trên địa bàn đều được bà con tận dụng để ngâm tre, nứa. Những năm trở lại đây, việc ngâm hạn chế đi nhưng vẫn không triệt để được tình trạng ô nhiễm kênh, mương trên địa bàn".

Ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động sáng và chiều 9.1, ở khu vực thôn Thượng Thôn (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên), không chỉ có mùi hôi thối từ kênh, mương bốc lên nồng nặc mà còn là mùi của tre, nứa đã ngâm được vớt lên để ngay bên bờ mương.

Ngoài ra, bằng mắt thường cũng có thể thấy, dưới lớp bèo là dòng nước đen kịt, có đoạn nổi váng bọt.

Để giảm thiểu mùi hôi thối bốc lên từ kênh, mương, nhiều hộ dân sống gần đó đã tiến hành trồng hoa sen, thả bèo...

"Mỗi lần có việc phải di chuyển về quê, đi qua khu vực này, tôi phải nín thở và đi thật nhanh. Mùi tre, nứa ngâm vài tháng mới vớt lên hơi nồng nặc, xộc thẳng vào mũi vô cùng khó chịu" - anh Bùi Văn Hùng (thành phố Nam Định) chia sẻ.

Nhiều khu vực tre, nứa được người dân vớt lên từ kênh mương để bên đường bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ảnh: Hà Vi

Ô nhiễm suốt 20 năm

Liên quan đến phản ánh của người dân, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lã Anh Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Tiến (huyện Ý Yên) cho hay, UBND xã đã nhiều lần nhận được phản ánh của người dân trên địa bàn về việc kênh, mương thủy lợi bị ô nhiễm. Địa phương cũng đã rà soát, đề xuất Công ty khai thác Công trình thủy lợi huyện Ý Yên (đơn vị quản lý) khắc phục tình trạng trên. Đợt đầu tháng 12.2023 vừa qua, công ty và chính quyền địa phương đã tiến hành nạo vét kênh, mương trên địa bàn.

"Trước đây, từ năm 2003, tình trạng ô nhiễm nặng nề vì phát triển làng nghề thủ công mây tre đan mỹ nghệ, quanh xã hầu hết các hộ dân đều làm nghề. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, nghề mây tre đan không đảm bảo thu nhập nên dần bà con cũng bỏ nghề rất nhiều. Hiện nay, cả xã có khoảng 4 doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất theo dây chuyền" - ông Linh nói.

Bên cạnh đó, UBND xã Yên Tiến đã tiến hành đi kiểm tra thực địa, vận động người dân làm nghề khi ngâm tre, nứa phải cho vào khu vực riêng và ký cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT).

Phó Chủ tịch UBND xã Yên Tiến cũng cho biết thêm, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc tuân thủ pháp luật về BVMT, đặc biệt là các quy định về phân loại chất thải rắn tại nguồn, BVMT làng nghề được nâng cao và có chuyển biến. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số tồn đọng, hạn chế chưa khắc phục tại các làng nghề sơn dầu Thượng Thôn, sơn mài Cát Đằng nên việc xử lý ô nhiễm chưa được triệt để.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn